Trong quá trình nuôi ong mật, người nuôi ong sẽ phải gặp một số trường hợp nhất định ảnh hưởng đến đàn ong mật của mình. Những biến động dù nhỏ hay lớn chúng ta cũng phải tìm ra nguyên nhân và cách phòng tránh cũng như giải quyết nó. Hôm nay Golden Bee xin chia sẽ một số trường hợp biến động của đàn ong và cách đối phó.
I. Ong cướp mật
Đây là một hiện tượng sinh học bình thường để tồn tại của loài ong mật mà mỗi khi nguồn thức ăn bên ngoài bị cạn kiệt.
1. Vì sao ong sinh ra hiện tượng cướp mật ?
Có thể tóm tắt những nguyên nhân chính đưa đến sự việc như sau:
- Do nguồn gốc dã sinh của ong thuần hóa kém. Ngay trong một giống ong cũng có hiện tượng thường xuyên trộm mật lẫn nhau. Ong mật có nguồn gốc từ Italia đã được thuần hóa hàng trăm năm nay mà lúc nào đến mùa giáp hạt cũng sinh ra hiện tượng cướp mật.
- Do trong một trại ong có cả ong ngoại lẫn ong nội địa.
- Do cho ăn không đảm bảo kỹ thuật, cho ăn sớm quá hoặc rơi rớt nước đường.
- Thùng bị hở nhiều hoặc mở nhiều cửa sổ hay đậy nắp thùng không kỹ.
- Cuối hoặc đầu mùa mật nếu quay mật không đúng kỹ thuật.
- Trong một trại ong có nhiều thế đàn ong không cân xứng, nhiều đàn yếu mà không chú ý xử lý sớm.
- Có những đàn bị sâu bệnh kéo dài làm cho đàn ong bị suy yếu, dễ bị đàn mạnh bị cướp mật
- Do khi kiểm tra đàn ong, ta để bừa bãi các cầu ong ra ngoài lâu, tạo cho quân ong thợ ở đàn khác xâm nhập hút mật và những cầu ong đó lại được đặt trở lại thùng cũ có lẫn một số ong thợ của đàn khác. Từ đó tạo cho nhiều loại ong thợ của các đàn khác nhau gặp nhau một lúc đột ngột, dễ sinh ra trận chiến ác liệt, gây cho nội bộ đàn ong hoang mang và phải huy động một lực lượng khá lớn để tự vệ.
- Do phản xạ tự vệ cao, ong thợ đàn bị cướp đuổi theo những con ong thợ cướp tận nơi và chui luôn vào thùng thứ hai rồi từ thùng thứ 2 cũng gây ra một phản xạ tự vệ rồi lộn xộn tương tự. Cứ thế mà diễn ra từ đàn này sang đàn khác rồi cả trại.
Có những đàn bị mật chúa kéo dài, bản thân đàn ong thợ không đi làm mà hay bay vo ve quanh các đàn ong có chúa khác, gây nên một tâm lý lộn xộn, từ đó quân ong thở ở các đàn mạnh có hiện tượng phản xạ tự vệ theo hướng của những con ong ở đàn mật chúa mà cướp mật những đàn này.v.v…
2. Những tổn thất sau khi trại ong bị cướp mật.
Nếu chỉ là cướp mật cục bộ (cá biệt ở một số đàn), thì mức độ thiệt hại không lớn lắm, mức độ phục hồi có thể nhanh hơn vì còn nhiều đàn ong mạnh hơn để chi viện. Nhưng cướp mật cục bộ là mầm mống tại hại dẫn đến cướp mật quy mô lớn.
Nếu đàn ong cướp mật với quy mô lớn:
• Nhiều chúa bị ngưng đẻ hoặc bị giết.
• Ong thợ thiệt hại từ 10-50% do đánh nhau.
• Đình chỉ mọi hoạt động của đàn và cả trại ong, gây nên tâm lý hỗn loạn cho cả đàn ong mật trong cả trại.
• Ong nội địa có thể bốc bay ở tỷ lệ cao.
• Mức độ trầm trọng không chỉ đàn mạnh cướp đàn yếu mà ngược lại không có đàn nào còn khả năng tự vệ được nữa. Thậm chí cũng có những đàn yếu không dám ra cửa rồi cả đàn ong bị chết đói.
• Ong đánh nhau có nguy cơ truyền bệnh cho nhau.
• Năng suất và sản lượng chung giảm từ 10-70%.
Việc đầu tư để hồi phục đàn phải tăng từ 2-5 lần thì cả trại mới trở về bình thường, thời gian hồi phục mất từ 10-60 ngày là ít. Cuối cùng là tác động đến tâm lý người nuôi ong, dao động, chán nghề.
3. Cách xử lý
• Trước hết là đóng cửa thùng.
Nếu chỉ xảy ra cướp mật cục bộ, chỉ đóng các cửa của những đàn ong bị cướp mật và thay đổi vị trí đặt. Đồng thời khép bớt cửa những thùng còn lại. Nếu bị cướp từ 1/2-2/3 thì lập tức đóng cửa toàn bộ các thùng ong trong trại. Sau đó tìm ra nguyên nhân vì sao đưa đến những biến động cướp mật của trại ong.
• Tiến hành di chuyển vị trí thùng ong:
Nếu bị cướp nhẹ và lẻ tẻ, chỉ cần quay hướng của thùng hoặc dời sang vị trí khác cách đó 1-2 thùng rồi đặt lại ở đó một thùng không để cắt đứt phản xạ cướp mật của các đàn ong khác. Còn những đàn đi cướp thì đóng của 1-2 ngày.
Nếu bị cướp với quy mô lớn phải đóng cửa và di chuyển toàn bộ đến vị trí mới. Trường hợp không di chuyển hết thì phải đóng cửa 2-3 ngày mới thả ra.
Ngừng ngay việc cho ăn sớm và quay mật. Cho những đàn cướp và bị cướp ăn vào buổi tối. Đàn mạnh cho ăn trước đàn yếu, đàn cướp cho ăn trước đàn bị cướp.
Trong trại nên hun khói hay nước để cho át mùi nọc ong và giảm tính hung hăng của đàn ong. Toàn bộ vị trí cũ của đàn cướp và bị cướp được thay vào bằng thùng không (có cầu không thêm vào càng tốt).
4. Cách đề phòng.
• Tạo cho tất cả đàn ong trong trại ong một thế đàn mạnh và xử lý các đàn yếu.
• Mỗi đàn chỉ nuôi một giống ong khỏe mạnh, ngăn chặn các hiện tượng bệnh tật.
• Tất cả các thùng phải kín, mùa mật mới được để cửa sổ lớn.
• Chăm sóc hay kiểm tra phải đảm bảo nhanh, không để các cầu ong bừa bãi ở ngoài thùng lâu.
• Cho ăn đúng kỹ thuật, tránh rơi rớt nước đường ra ngoài. Cho ăn sao để các đàn ong có mức dự trữ đủ.
• Không quay mật bừa bãi, nếu quay mật không phải vụ chính thì phải căng mùng để quay hoặc di trùng làm sữa cũng phải cần có mùng.
• Không để mất chúa lâu ngày.
• Hàng ngày phải theo dõi và xử lý ngay các hiện tượng có mầm mống đưa đến cướp mật.
II. Những nguyên nhân ong bỏ tổ
Trong thực tế, người nuôi ong thường nhầm lẫn giữa việc ong bốc bay bỏ tổ và ong chia đàn.
1. Những điểm khác nhau giữa ong mật bỏ tổ và ong mật chia đàn
a, Ong chia đàn.
Đàn ong vẫn phát triển tốt, mức độ sinh trưởng không có gì đáng nghi vấn hay bốc bay. Đàn ong lúc nào cũng xây mũ chúa, các giai đoạn phát triển đầy đủ, thức ăn dự trữ tốt, xây cầu mạnh, quân sung túc, ong đực nhiều.
• Nguồn mật phấn bên ngoài vẫn dồi dào.
• Đàn ong trước đó không có bệnh tật.
Hiện tượng trước khi đi, tốc độ làm việc của ong thợ càng hăng hái. Khi sẻ đàn, số quân ong thợ ra càng ngày càng đông, nhưng quân đi về đều có mật và phấn đầy đủ.
Sau khi xẻ đàn, quân còn lại từ 40-60% và thức ăn dự trữ còn tốt, các giai đoạn của ong non bình thường. Có thể còn nhiều mũ chúa sắp nở hoặc là chúa mới đã ra đời.
b, Ong bốc bay
Hiện tượng ong chúa ngưng đẻ trước đó từ 20-25 ngày (trừ trường hợp đặc biệt hiện tượng này không báo hiệu trước).
• Nguồn thức ăn bên ngoài cạn kiệt, thời tiết khó khăn.
• Nhộng ấu trùng hết, thức ăn dự trữ cạn.
• Khi bốc bay, đàn ong xáo trộn, tiếng ong bay reo rú mạnh, quân ra ào ạt mà không có quân vào.
• Sau khi bay hết chỉ còn lại tổ không.
Trên đây là hiện tượng bốc bay có chuẩn bị, còn trường hợp bốc bay do cộng hưởng (bị kích thích từ đàn khác) hoặc do bị tác động của cơ học, hóa học thì mật, phấn, nhộng còn lại y nguyên. Cá biệt có những đàn cắn cả nhộng lôi ra khỏi tổ kén.
Hiện tượng ong bốc bay chỉ thường xảy ra với ong nội địa, còn ong ngoại rất ít gặp.
2. Những nguyên nhân ong bỏ tổ.
Do tính di truyền có tính chất dã sinh của giống ong (ong nội địa mạnh nhất).
Nguồn thức ăn bên ngoài bị khô cạn, nguồn thức ăn bổ sung không có.
Thời tiết bên ngoài thay đổi đột ngột, nắng hoặc lạnh quá, khô hanh, mưa bão kéo dài.
Thế đàn yếu, thù địch xâm nhập.
Sâu bệnh đột nhập kéo dài.
Do tác động cơ học, hóa học, mùi độc kéo dài.
Thùng ong bị hở, ván mỏng, không đủ sức để duy trì độ ẩm, nhiệt độ.
Do chăm sóc hoặc bốc bay cộng hưởng.
Vị trí nơi đặt thùng ong không hợp với hoạt động của đàn ong.
3. Cách đối phó đàn ong bốc bay.
a, Nếu chủ động phát hiện kịp thời.
• Điều chỉnh ngay cầu nhộng và ấu trùng. Vì đặc điểm của đàn ong bốc bay có chuẩn bị là không bao giờ tự nó bỏ con khi còn ở giai đoạn nhộng và ấu trùng.
• Cho ăn bổ sung liên tục, nếu ong không ăn thì đổ mật hoặc nước đường trực tiếp vào cầu ong, rút cầu thức ăn ở đàn khác để chi viện càng tốt. Cho ăn tới khi có mức độ dự trữ, ong thợ trở lại làm việc bình thường, chúa đẻ tốt thì mới ngưng.
• Nếu đàn ong vẫn biến động thì rút bớt cầu không, thay thùng khác và dời luôn vị trí của thùng ong.
Nếu đàn qua các bước tác động trên mà không giữ được thì cho bốc bay nhân tạo để xử lý tổng hợp (đối với ong nội địa thì dùng phương pháp này có hiệu quả rất tốt). Cách tiến hành như sau:
Rút hết cầu nhộng, ấu trùng và trứng, đưa cầu sáu ra và giũ hết ong xuống thùng. Có thể dùng thêm khói, tạo cho thùng ong có kẽ hở, để thùng ong ở nơi gió lùa hoặc nóng bức, lạnh quá để đàn ong bị kích thích dễ bị bốc bay đi.
Bên ngoài chuẩn bị sẵn một cái mùng căng 4 góc trước. Khi ong có hiện tượng bốc bay ta thả mùng xuống trùm luôn cả thùng ong. Cứ để cho cả đàn ong bay lung tung trong mùng cho đến khi nào toàn bộ ong thợ mỏi cánh rồi đậu vào một gốc mùng theo ong chúa thật gọn, lúc đó phản xạ bốc bay đã gần như bị cắt đứt.
Bên ngoài đã có một thùng ong có sẵn khung cầu (nếu có cả ấu trùng hoặc nhộng thì càng tốt) có nước đường hoặc mật ong đầy các ô lăng. Sau khi ong không còn phản xạ bay loạn xạ nữa, ta tiến hành bắt gọn đàn ong vào thùng và đậy nắp lại để vào một nơi yên tĩnh.
Thời gian giữ đàn ong vào thùng tốt nhất là để gần về tối. Khi về tối, đàn ong gần như hết hẳn phản xạ bốc bay và có hiện tượng ổn định thì để qua đêm. Lợi dùng thời cơ này để cho ăn bổ sung giúp đàn ong ổn định sớm hơn.
Khi đàn ong đã ổn định, biểu hiện đầu tiên là tốc độ đi làm việc có khẩn trương hơn và mỗi lúc càng nhiều phấn mang về. Sau 24h có hiện tượng xây cầu và xây đến đâu chúa đẻ đến đó. Đây là đặc điểm của con ong sau khi đến một địa điểm mới.
Từ đặc điểm trên, ta có thể áp dụng sao cho những đàn ong có hiện tượng bốc bay hoặc phát triển kém trở lại bình thường, để tận dụng khả năng của chúa già và lực lượng xây cầu của đàn kém.
b, Nếu đàn ong đang bốc bay.
Ta ném cho đàn ong đậu lại :)))) nói đơn giản là ta dùng cành cây, sào, gậy, khúc gỗ, quần áo, đất, cát để ném vào đàn ong. Khi ném phải ném liên tục hoặc dùng một vật gõ liên tục ra âm thanh cho ong dừng lại.
Theo như được biết, con ong chúa không thể tự bay một mình được vì cánh ngắn mà bụng lại dài, thân năng. Vì thế mà lúc nào đàn ong thợ cũng bay theo hình trôn ốc để tạo nên sức hút của không khí chuyền dẫn cho con ong chúa bay lướt theo. Khi ta tác động bởi âm thanh liên tục sẽ làm cho đàn ong thợ có phản xạ sợ mà bay thấp và giảm tốc độ.
Vừa ném, vừa gây tiếng động làm cho tốc độ di chuyển giảm, đồng thời sức hút của luồng không khí bị phá vỡ, ong chúa nặng sẽ rơi xuống, buộc đàn ong thợ phải dừng cánh lại mà cứu chúa. Khi xuống ong thợ liền bám vào một cành cây nào đó trước một ít để đón ong chúa vào. Khi ong chúa vào thì đàn ong thợ cùng bám lại vào thành một khối
Đàn ong đang bốc bay
Khi ong thợ xuống hết, con ong chúa bò ra phía ngoài rất nhanh kiểm tra khắp lượt đàn quân rồi chui ngay vào giữ đàn ong để nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ, sau khi đàn ong đã hoàn toàn ổn định, phụ thuộc nhiều vào thời tiết: như trời quang đãng, trong sáng, yên gió thì có thể nghỉ từ 15-30 phút. Trời xấu hoặc về chiều thì có thể ở từ vài giờ hoặc chờ qua đêm rồi mới đi. Trong thực tế, đàn ong bốc bay thường có giai đoạn dừng lại để nghỉ cánh, kiểm quân và chờ ong trinh sát đến để dẫn đường đến địa điểm mới.
Sau đó ta dùng phương pháp bắt đàn ong đưa về. Ta chuẩn bị trước thùng có khung cầu, có nhộng, ấu trùng và trứng hay thức ăn càng tốt. Nếu không thì chỉ dùng thùng không với vài ba khung cầu cũng được.
Nếu đàn ong đậu ở dưới cành cây nhỏ và thấp thì rất dễ bắt. Dọn xung quanh thật sạch sẽ chỉ chừa lại duy nhất một cành cây, mở nắp thùng, cho cả đàn ong ở cành cây đúng vào giữ thùng, hai tay nắm hai đầu của cành cây gạt một đường thật gọn, đàn ong sẽ rơi vào thùng, đậy ngay nắp lại rồi đem về.
Trường hợp đàn ong đậu ở cành cây cao và to, ta chuẩn bị kịp dụng cụ như nón lá hoặc mùng thì cách tiến hành như sau:
Trèo lên dọn các chướng ngại vật cho sạch, chặt hết các nhánh cây có liên quan, quét ong thợ đậu xung quanh cho gom thành một cục gọn gàng. Chuẩn bị để hai tay được rảnh mà bắt ong. Đặt rổ hay nón lá bên dưới rồi dùng cành cây quét một đường thật gọn để ong rơi vào rổ. Trường hợp có thùng ong ở đó thì bỏ cả rổ ong vào thùng luôn rồi đóng nắp lại. Nếu không chuẩn bị trước khì có thể cầm rổ ong đó về rồi bỏ vào thùng sau cũng được.
Bắt ong bốc bay
Trường hợp nếu là đàn ong đang ở trong bọng cây hoặc hốc đá thì ta phải phá họng cây ra rồi dùng tay hốt dần từng bụm ong cho vào thùng. Nếu có mùng thì căng ra rồi kích thích cho ong bay vào rồi túm lại. Có khi phải cưa cả bọng cây đem về nhà rồi mới sang qua thùng ong mới.
Trường hợp ong ở trong hang đá hoặc cây to thì cách bắt phải vất vả hơn, căng mùng, soi lỗ rỗng, dùng khói để kích thích cho ong ra…Nếu khó quá thì bỏ qua, xây đàn mới.
Chú ý: Khuynh hướng của đàn ong ở trong bọng, hốc đá, gò mối hoặc đang đậu ở cành cây…khi có kích thích ở bên dưới thì theo quán tính sẽ bò lên cao hơn. Còn kích thích ở trên cao thì chỉ bò qua lại hoặc tản ra chứ không di chuyển xuống. Đặc điểm này giúp ta nhiều thuận lợi khi bắt một đàn ong.
4. Phương pháp ổn định đàn ong mới bắt
Nếu là đàn ong bắt được do bốc bay, tốt nhất là ở nhà đã có sẵn ong, ta chi viện cho đàn mới bắt từ 2-3 cầu có ấu trùng hoặc nhộng ong, một cầu có thức ăn dự trữ và cầu không để cho chúa đẻ.
cho ăn liên tục 2-3 ngày hoặc hơn nữa. Khi đàn ong đi làm, chúa đẻ bình thường và có thức ăn dự trữ khi đó mới coi là đàn ong đã ổn định.
Nếu là đàn ong bắt được ở hốc đá, gốc cây tự nhiên, trường hợp này thường thường đàn ong ở thế phát triển nên có nhiều tầng ong xây tự nhiên và có nhộng, ấu trùng. Do đó, nên giữ các tầng ong lại và cột vào khung cầu trước khi cho vào thùng mới. Tận dụng lứa ong thợ mới, đồng thời ổn định được đàn ong sớm, không phải dùng cầu ở đàn khác chi viện. Chỉ cần cho ong ăn đến khi chúa đẻ lại và có thức ăn dự trữ là đàn ong sẽ ổn định.
Chú ý: Khi tận thu các tầng có ấu trùng và nhộng thao tác phải khẩn trương, tránh bị dập nát, khi cột bánh tổ vào cầu phải chắc chắn để ong thợ có thời gian gắn chặt giữa tầng và cầu ong bằng sáp.
Sau đó, điều chỉnh. Đặc điểm của đàn ong sau khi bốc bay hoặc bắt từ bọng cây về khi đã ổn định thì sức đẻ của chúa rất mạnh, ong thợ xây cầu rất tốt. Do đó, việc điều chỉnh sắp xếp các cầu ong, cho xây cầu mới để nâng thế đàn ong là công việc phải tác động khẩn trương. Có trường hợp, đàn ong rất khó ổn định phải tiến hành chi viện cầu nhộng và ấu trùng thường xuyên, cho ăn thức ăn có nhiều dinh dưỡng để kích thích cho chúa đẻ và ong thợ đi làm. Trường hợp tác động tốt mà đàn ong cứ bốc bay không có cách nào ổn định thì nhốt chúa lại hoặc cùng lắm là cắt cách chúa để tạm ổn định rồi tìm cách thay chúa mới.
5. Cách đề phòng đàn ong bốc bay
Mỗi khi đến mùa giáp hạt, nguồn hoa bên ngoài giảm hoặc thời tiết bên ngoài thay đổi đột ngột, phải nghĩ cách quản lý đàn ong như thế nào để cho trại ong không bị biến động hoặc bị mất luôn đàn ong (hiện tượng này hay gặp ở các trại ong nội địa hơn so với trại ong ngoại).
a, Tăng cường kiểm tra và quan sát đàn ong.
Bản năng của con ong mật là rât siêng năng. Sáng nào ong cũng đi làm trước khi con người thức giấc. Nếu thời tiết xấu thì ong trinh sát và ong gác cửa chỉ reo ồn ào độ năm mười phút rồi im lặng. Khi thời tiết tốt, nguồn thức ăn phong phú, thì tiếng reo ồn ào của toàn trại ong càng về sau càng ầm ĩ hơn. Số ong đi làm và ong thu được sản phẩm bay về tổ tấp nập hơn.
Người nuôi ong nhất thiết là không được dậy muộn, mà phải dậy sớm hơn con ong để quan sát toàn trại ong, xem xét từng cá thể của đàn ong, quan sát kỹ để có thể có những nhận định về những biến đổi của cả trại ong hoặc từng cá thể rất chính xác. Thời tiết xấu hoặc tốt, nguồn hoa sung túc hoặc khô kiệt thì bao giờ mọi hoạt động của trại ong đều thể hiện ở những nét đặc trưng tương đối đồng nhất.
Ví dụ: Thời tiết tốt , nhiều đàn ong đi làm việc, rất dồn dập, giữa lúc đó có một hai đàn không đi làm mà ong thợ bay ra vào ở cửa lộn xộn, hay im lặng, hoặc nhiều ong thợ bay lượn tới lui xung quanh các kẽ hở của thùng ong, hoặc có tiếng reo rú ồn ào của ong thợ trong thùng.v.v… thì ta phải đặt nghi vấn ngay và tiến hành kiểm tra trước 8-9h sáng. (thường giờ bốc bay là 8-9h sáng đến 15-16h chiều)
b, Tăng cường kiểm tra bên trong.
Khi có nghi vấn thì tiến hành kiểm tra bên trong như sau:
• Trước hết, kiểm tra mức độ dự trữ thức ăn (kể cả mật và phấn trong cầu ong dự trữ) còn có hay không và mức độ nhiều hay ít.
• Kiểm tra các giai đoạn sinh trưởng và phát dục, nhộng, ấu trùng, trứng.
• Kiểm tra con chúa, có còn mập khỏe và đẻ tốt không.
Một đàn ong chuẩn bị bốc bay thường có dấu hiệu chuẩn bị trước: chúa ngừng đẻ, các dấu hiệu sinh trưởng không còn, thức ăn giảm hoặc không có, chúa tóp bụng lại và bò đi nhanh nhẹn hơn, đàn ong thợ bò lộn xộn, khi nhấc cầu ong lên thì ong thợ tập trung bâu chúi đầu vào các ô lăng hút mật.
c, Cách xử lý.
Trước hết là bổ sung ngay thức ăn, nếu có nhiều đàn ong mạnh có nhiều cầu dự trữ thức ăn thì rút các cầu thức ăn đó ra chi viện. Trường hợp không có cầu dự trữ thì cho ong ăn ngay nước đường hoặc nước mật.
Nếu ong không ăn thì rút các cầu ong không có con non, ấu trùng ra và đổ trực tiếp nước đường vào trong bánh tổ để làm cầu thức ăn dự trữ. Sau đó cho ăn liên tục cho đến khi đàn ong ổn định lại.
Chi viện khung cầu ong con (cầu nhộng và ấu trùng) ít có trường hợp bốc bay hay bình thường mà ong bỏ lại các cầu ong còn non chưa nở hết. Vì vậy, chi viện cầu có con non để ổn định đàn ong bốc bay là phương pháp hiệu nghiệm nhất. Trường hợp cá biệt, ong thợ do kích thích mạnh, bốc bay đến một địa điểm mới có nhiều thuận lợi cho sinh sống hơn thì nó cắn cả nhộng và ấu trùng lôi ra ngoài ô lăng và hủy hoại luôn cả
cầu ong để ra đi. Trường hợp này nhất thiết phải cho đàn ong bốc bay nhân tạo.
Thay thùng ong và thay luôn cả vị trí đặt thùng ong vì một trong các nguyên nhân gây ra cho một đàn ong bốc bay có thể do thùng ong và địa điểm đó không hợp với đặc tính sinh lý của đàn ong đó, ta nên sửa đổi cho phù hợp. Khi đã thay thùng khác hoặc vị trí mới là ta đã cắt đứt một phần nào đó phản xạ kích thích bốc bay.
Chủ động nhất là kiểm tra theo định kỳ, quan sát tốt, tác động kịp thời, điều chỉnh toàn trại ong ở thế đàn trung bình và mạnh thì hiện tượng bốc bay sẽ chủ động hạn chế nhiều.
III. Kết bài.
Trên đây là một số biến động của đàn ong và cách đối phó, hy vọng qua bài viết này, các bạn có thể nhận biết được hiện tượng ong cướp mật, ong sẻ đàn hay bốc bay đi để phòng tránh cũng như có giải pháp giải quyết vấn đề. Cảm ơn bạn đã tìm đọc và hi vọng gặp các bạn ở bài viết sau của chủ đề kỹ thuật nuôi ong: Xử lý đàn ong bị mất chúa.
======
Bài viết được biên soạn bởi Mật Ong Golden Bee https://goldenbee.com.vn/
Tất cả về Mật Ong https://goldenbee.com.vn/mat-ong
Thông tin về Ong Mật https://goldenbee.com.vn/ong-mat
Sản phẩm Mật Ong Nguyên Chất Golden Bee https://goldenbee.com.vn/san-pham/mat-ong-nguyen-chat-golden-bee
Mật Ong Nguyên Chất Golden Bee
₫100,000 – ₫500,000
Mật ong nguyên chất Golden Bee, khai thác tại Tây Nguyên.
Đóng chai theo quy trình khép kín, bảo đảm VSANTP.
Đã hạ thủy phần trong nước dưới 20%.