Nếu nuôi ong theo phương pháp cổ điển thì không cần nuôi dưỡng cũng được, nhưng sản lượng không cao, mọi việc đều nhờ vào trời đất, con người hoàn toàn không chủ động được sản lượng.
Ngày nay nuôi ong có khoa học, con người biết chủ động hoàn toàn bằng nhiều biện pháp, nhưng việc quan trọng nhất vẫn là biện pháp nuôi dưỡng. Golden Bee xin gửi các bạn bài viết về các phương pháp nuôi dưỡng ong mật.
I. Những trường hợp nào cần nuôi dưỡng
1. Khi nguồn hoa bên ngoài hết hoặc đến kỳ giáp hạt.
Trong thực tế, nuôi ong mật phải chủ động giải quyết thức ăn khi nguồn hoa bên ngoài không đủ cung cấp lượng thức ăn cần thiết như: mùa mật ở các vùng cây của các tỉnh phía Nam thường thiếu phấn, do đó mà phải cho ăn thêm phấn nhân tạo hỗn hợp. Trong mùa phấn lại thiếu mật, cho nên phải cho ăn thêm siro đường bổ sung. Có khi cả nguồn phấn và mật bên ngoài chòa dứt thì phải nuôi dưỡng hoàn toàn bằng nước siro và phấn hỗn hợp nhân tạo.
2. Do mưa bão kéo dài.
Nước ta thuộc vùng nhiệt đới, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, lượng mưa bão trong những tháng 7-11 thường kéo dài, ong không đi làm được, thức ăn dự trữ trong tổ bị khô kiệt do đó phải cho ong ăn.
Trong trường hợp mưa bão kéo dài, ong đó sinh ra hung dữ, nếu người nuôi ong ngại khó, sợ ướt át, ong chích… mà không cho ong ăn đúng mức thì không những không thu được sản phẩm mà thậm chí đàn ong bị giảm sút nghiêm trọng và sau đó muốn phục hồi đàn ong lại phải tốn nhiều thức ăn và mất nhiều thời gian. Muốn giữ được trại ong trong những trường hợp mưa bão kéo dài mà không bị giảm sút, phải cho ong ăn thật chu đáo.
3. Trường hợp di chuyển đường xa.
Khi có kế hoạch di chuyển đàn ong mật đi xa phải chuẩn bị thức ăn nuôi dưỡng dọc đường.
Nếu di chuyển chỉ trong vòng một đêm hoặc một ngày thì không cần phải chuẩn bị nuôi dưỡng, nhưng nếu phải đi qua nhiều cầu phà chờ đợi mà trời nắng oi bức thì phải phun nước vào cửa sổ.
Nếu thời gian di chuyển kéo dài từ 2-3 ngày thì ngày nào cũng phải nghỉ lại vài giờ cho ong uống nước và để cho ong tự bài tiết trong thùng.
Nếu di chuyển từ 4 ngày trở lên, phải có trạm nghỉ lại một ngày, khi trạm nghỉ không có nguồn hoa phấn mật phải nuôi bằng thức ăn có siro và phấn nhân tạo.
4. Nuôi dưỡng để khai thác sữa ong chúa và làm giống.
Trong điều kiện nguồn hoa hiện nay, khi bắt đầu thế đàn có đủ sức khai thác sữa ong chúa và làm giống, hầu hết phải cho ong ăn.
Cho ong ăn đến khi có thức ăn dự trữ đủ thì sản lượng mới cao, chất lượng mới tốt. Đặc biệt là khâu khai thác sữa ong chúa, thức ăn phải tốt thì chất lượng sữa mới cao và có màu vàng kem sáng.
5. Khi đàn ong bị bệnh.
Khi đàn ong bị bệnh thì dùng thuốc điều trị thông qua con đường cho ong ăn (trộn siro với thuốc)
6. Trường hợp chúa ngưng đẻ.
Cho ăn thức ăn có đạm và vitamin bổ sung.
II. Các phương pháp cho ong ăn.
1. Cho ong ăn để làm giống.
a, Cho đàn gốc: là những đàn bố mẹ được chọn trước để bồi dưỡng hoặc nuôi thúc bằng những loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao như bột sữa, bột đậu nành, bột trứng có vitamin, khoáng chất và men bia.
Mục đích là để nuôi thúc cho ong chúa đẻ mạnh,
Số lượng ong thợ đông đảo và ong non nhiều khả năng tiết sữa mạnh.
Tiết sáp để xây cầu tốt.
Chống lại bệnh tật, sâu bệnh…
Nuôi thúc đàn gốc cho đến khi có đủ thức ăn dự trữ cả phấn và mật, đồng thời các giai đoạn: trứng, ấu trùng và nhộng đầy đủ, xây cầu tốt thì mới đạt yêu cầu.
b, nuôi dưỡng cho đàn nhân:
Ở đây danh từ dùng, có người nhầm lẫn giữa đàn nhân và đàn giới thiệu mũ chúa để phối giống.
Đàn nhân là đàn sau khi chúa tơ đã phối giống thành công, chúa bắt đầu đẻ, cần phải tăng viện cầu và cho ăn thúc (nếu thức ăn bên ngoài kém) để cho chúa đẻ tốt.
Trường hợp này thức ăn không cầu kỳ như đàn ong bố mẹ, nhưng mỗi khi có điều kiện cũng nên cho đàn nhân ăn thật đầy đủ thì thế đàn tăng nhanh.
2. Cho ong ăn để kích thích khai thác sản phẩm:
a, Đối với ong nội địa:
Bước vào đầu vụ hoặc cuối vụ sau khi quay mật xong, thường người ta lại cho ăn kích thích thêm để cho ong thợ có phản xạ đi làm tốt hơn.
b, Trong khâu tổ chức khai thác sữa:
Cũng phải tiến hành cho ong ăn thúc. Số lượng cho ăn thường tăng gấp đôi đối với đàn ong nuôi dưỡng bình thường. Để tận dụng khai thác tối đa và đỡ tốn thức ăn, ta có thể tổ chức xây cầu cho những đàn có điều kiện (có hiện tượng tiết sáp xây cầu).
Đối với những đàn làm sữa có kết hợp xây cầu, thì lượng thức ăn có thể cho thêm 1/2 hoặc ít hơn số thức ăn chi ra xây một cầu ong ở điều kiện khác.
Trong trường hợp trên không cho ăn đồng loạt mà chỉ cho ăn những đàn tiến hành khai thác.
3. Cho ong ăn trong mùa giáp hạt:
Nguồn cây trồng và rừng ở các tỉnh phía Nam thường trổ bông tập trung vào một số tháng nhất định và khi trổ thì giữa nguồn phấn và nguồn mật không cân đối, nên phải cho ăn thêm phấn nhân tạo và siro tùy theo yêu cầu khai thác. Khi giáp hạt, phấn và mật không có, phải tổ chức cho ong ăn phấn và mật toàn trại cho đến khi có nguồn thức ăn bổ sung nhất định.
4. Cho ong ăn để trị bệnh:
Trong mùa phấn và mật đầy đủ nhưng đàn ong bị bệnh, phải tổ chức cho ong ăn bổ sung có thuốc trị bệnh. Nếu là bệnh lẻ tẻ thì chỉ cho những đàn ong cá biệt ăn. Nếu bị trúng độc hoặc bệnh truyền nhiễm phải cho cả trại ăn có kèm theo thuốc để xử lý cho đến khi đàn ong ổn định trở lại.
5. Cho ăn để chuẩn bị khai thác sản phẩm.
Kinh nghiệm, khi chuẩn bị bước vào mùa vụ nên cho ăn thúc toàn trại để tất cả đàn ong đều có thế mạnh như nhau, thì sản lượng mới cao.
III. Các loại thức ăn và pha chế.
1. Phấn nhân tạo:
Pha chế phấn nhân tạo nhằm thay thế cho phấn thiên nhiên, về thành phần dinh dưỡng thì phấn nhân tạo không thể bằng phấn thiên nhiên, nhưng điều quan trọng là các protein phải tương đường và hạn chế các axit béo.
Trong thực tế, nhiều trại ong chỉ dùng một hỗn hợp sau đây cũng nuôi dưỡng cả trại ong và khai thác được một khối lượng sản phẩm không kém hơn mùa có phấn thiên nhiên là mấy.
• Bột đậu nành rang: 6/10
• Bột sữa khô: 3/10
• Phấn thiên nhiên: 1/10
Hỗn hợp lại trước khi cho ăn.
Cách cho ong ăn:
Trộn hỗn hợp trên xong, cho nước sôi để nguội, trộn đều sền sệt, ngâm 2-3 giờ cho thức ăn nở ra và tạo thành một chất hồ nhão. Chú ý: Nếu có mật ong càng tốt, còn không thì cho đường vừa ngọt vừa lợ. Dùng muỗng múc trét lên trên mặt của thang cầu có hình dạng như một con trạch có chiều dài độ 20cm.
Tùy theo lượng đàn mạnh hay yếu mà số lượng cầu trét từ 2-3 cầu.
Nếu trời nắng khô hanh, nên có một mảnh lá chuối độ 1cm đậy mặt trên của khối thức ăn để chống bốc hơi. Khi ong ăn sau 24 giờ mà không hết thức ăn phải cạo bỏ rồi cho tiếp lượng mới vào.
Cũng hỗn hợp trên nhưng cho ăn khô bằng cách dùng một khung cầu không, lật nghiêng rồi rắc bột hỗn hợp cho đầy tràn các ô lăng. Rồi dùng 2 tay lắc cho bột khô dồn đầy chặt vào các ô lăng. Sau đó lật mặt bên kia cũng làm như vậy để cho hai mặt của khung cầu có một lượng thức ăn nhất định. Đưa vào thùng ong, để đúng vào vị trí cửa cầu phấn và tiếp đó cho thức ăn thêm nước siro để ong thợ có đủ lượng dung dịch nhào trộn, chế biến ủ lượng phấn cần thiết trên.
Cũng dùng hỗn hợp trên cho ong ăn theo hình thức công cộng.
Có thể dùng một khay hoặc chậu để vào đấy một lượng bột đã hỗn hợp và dùng tay nắn thành những quả núi con để khối bột hơi chặt, con ong thợ đến lấy dễ hơn.
Cách cho ăn công cộng phải tiến hành ở nhiều trại, nếu ở địa bàn gần nhau. Nếu không cho ăn đồng thời thì một trại chịu tốn kém quá nhiều.
Một công thức hỗn hợp khác hơi cầu kỳ nhưng nếu làm được thì rất tốt:
• Bột đậu nành: 50%
• Bột sữa khô: 20%
• Bột trứng khô: 10%
• Bột men bia: 10%
• phấn thiên nhiên: 10%
Cách cho ăn như nêu trên, nhưng nếu cho ngọt lợ mà ong không ăn thì có thể cho một phấn hỗn hợp cộng một siro đường hoặc một phấn hỗn hợp với mật ong.
Loại nước đường siro pha đến đâu dùng ngay đến đó vì dễ bị chua.
Nước nên nấu sôi và nấu cả nước đường để khử độc bỏ bọt.
Công thức: do yêu cầu nuôi dưỡng mà pha.
• 1 đường + 1 nước
• 2 đường + 1 nước
• 1 đường + 2 nước
Trường hợp ong không chịu ăn thì pha thêm từ 10-20% mật ong để gây nên một mùi kích thích tự nhiên cho ong thợ ham ăn.
2. Dùng lòng đỏ trứng gà đánh kem cho ong ăn, kích thích cho chúa đẻ:
Có nhiều đàn chúa đẻ kém hoặc muốn làm giống thì nên cho ăn bằng trứng đánh kem (bỏ lòng trắng)
Một lòng đỏ trứng đánh kem xong có thể cộng thêm 200g đường đã chế thành siro hoặc nước mật ong.
Có thể bổ sung thêm vitamin B1 và C càng tốt.
IV. Những vấn đề cần chú ý khi cho ong ăn
1. Cho ong ăn phải đúng lúc con ong yêu cầu và thõa mãn mọi hoạt động của tổ ong.
Qua kinh nghiệm cho thấy, có trại tác động cho ong ăn tương đối đúng, có trại cho ong ăn hết sức tùy tiện, do đó mà sản lượng sản phẩm thu được không theo ý muốn.
Muốn làm sữa chúa, xây cầu…mà tác động không đúng thời gian và mức độ cho ăn, không có dự trữ thì con ong thợ tiết sữa rất ít, xây cầu rất kém. Vì lẽ đó mà việc cho ong ăn đúng thời gian và đầy đủ là rất quan trọng.
Siro nước đường và phấn nhân tạo không phải là nguồn thức ăn chủ yếu của con ong, mà chính mật hoa và phấn hoa mới là nguồn cung cấp dinh dưỡng đầy đủ nhất. Nhưng mỗi khi hoa không đủ sức cung cấp thì việc tổ chức chế biến cho ăn bổ sung là một yêu cầu cấp thiết.
Trong nghề nuôi ong hiện nay, có nhiều người còn nhầm lẫn, là nuôi ong không cần phải cho ăn gì. Hoặc có người cho rằng nuôi ong mà cho ăn đường thì mật không tốt. Thật ra, nuôi ong mà cho ăn đường là không kinh tế và còn tạo cho con ong lười biếng.
2. Một vài chú ý khác:
Máng ăn phải hết sức vệ sinh và thức ăn không được để chua, meo mốc.
Đàn mạnh, đàn hay cướp mật nên cho ăn trước các đàn trung bình và yếu.
Cho ăn từ hướng dưới gió lên và vào lúc trời tối.
Cho ăn không được làm rơi vãi nước đường, chậu thau, thùng phải thật sạch sẽ.
Không được để máng nước đường cả ngày ở thùng ong yếu và đàn có bệnh.
======
Bài viết được biên soạn bởi Mật Ong Golden Bee https://goldenbee.com.vn/
Tất cả về Mật Ong https://goldenbee.com.vn/mat-ong
Thông tin về Ong Mật https://goldenbee.com.vn/ong-mat
Sản phẩm Mật Ong Nguyên Chất Golden Bee https://goldenbee.com.vn/san-pham/mat-ong-nguyen-chat-golden-bee
Mật Ong Nguyên Chất Golden Bee
₫100,000 – ₫500,000
Mật ong nguyên chất Golden Bee, khai thác tại Tây Nguyên.
Đóng chai theo quy trình khép kín, bảo đảm VSANTP.
Đã hạ thủy phần trong nước dưới 20%.