I. Chọn địa điểm để lập trại ong cố định.
1. Mục đích.
Phục vụ cho công tác nhân giống chuyên trách, tạo đàn giống thuần chủng hoặc để cung cấp ra ngoài.
Lập một cơ sở nghiên cứu tổng hợp về các đặc điểm sinh học, hoặc các quy trình nhằm phục vụ cho sản xuất kinh doanh cũng như các chuyên đề lớn.
2. Yêu cầu của một địa điểm cố định.
Phải tìm một nơi trung tâm nguồn hoa, hoặc là nguồn hoa cách đó không xa lắm. độ 1-1,5km trở lại. Không nên xa quá 3km. Nếu nguồn hoa không đủ sức để cung cấp mật ong và phấn thì phải có kế hoạch trồng thêm các loài cây, kể cả cây ngắn ngày lẫn dài ngày để giảm bớt thời gian di chuyển.
Thuận lợi giao thông, đảm bảo mặt bằng cao ráo, tránh nhiều ao hồ, sông ngòi. Trại phải bằng phẳng để việc bố trí các đàn ong cho đẹp và đi lại chăm sóc quản lý thuận tiện.
Bố trí trại ong phải chú ý:
• Nên xa nhà máy đường, vì nếu để gần khi mùa thiếu mật, ong sẽ bâu vào chảo nấu đường dễ bị chết.
• Gần nhà máy hoặc kho hóa chất thì ong dễ bị nhiểm độc.
• Gần nhà máy hoặc đường xe lửa thì ong sẽ bị chấn động.
• Trước mặt là đường xe hơi, khi ong đi làm về sẽ có phản xạ lao theo xe vì sức hút của gió làm ong mật chết.
• Bố trí một trại ong phải đảm bảo có nhiều cây cối, bóng mát, thoáng nhưng không có gió xoáy và hai bên là khu rừng, ở giữa trống.
• Trại ong không được bố trí ở nơi có nhiều đén có ánh sáng mạnh, đề phòng ong lao vào đèn mà chết.
Khoảng cách giữa các trại ong giống phải từ 7km trở lên để đảm bảo được giống thuần và tránh dịch bệnh lây lan.
3. Cách bố trí các thùng ong trong một trại ong.
a, Chú ý:
Đảm bảo đi lại thuận tiện cho người làm công tác chăm sóc, quản lý.
Thực hiện được các quy trình khai thác và phòng chống được dịch bệnh dễ dàng.
b, Cách thức bố trí:
Tùy theo địa hình mà có thể bố trí như sau:
• Xếp theo từng hàng, một thùng cách nhau từ 1,2-1,5m và hàng cách hàng 2m. Bố trí như vậy tiện lợi cho công tác nhân giống theo hình thức nhân giống song song (xếp cửa thùng ong cùng một hướng -> )
• Xếp theo hai hàng quay đít thùng vào nhau, hai hàng quay đít thùng cách nhau 0,5-0,7m và thùng cách thùng cũng như trên, khi nhân song song cũng thuận lợi.
• Xếp theo hình vòng chữ nhật.
• Các hình xếp và bố trí hiện nay thường áp dụng là để hai thùng cùng song song, phương thức này chỉ thuận lợi cho công tác khai thác, còn công tác nhân giống thì gặp khó khăn.
• Một trại ong cố định, phải có hàng rào bảo vệ (không nhất thiết phải bố trí công nhân ngủ trông coi trại)
Khi đặt các đàn ong nên chú ý, trước mặt không có chướng ngại vật và sát ao hồ. Thùng ong phải thẳng hàng và có độ dốc hơi nghiêng về phía trước để nước mưa khỏi dội vào thùng ong. Không nên để thùng quá sát rào hoặc đường đi lại.
II. Cách chọn địa điểm để lập một trại ong khi đi khai thác mật.
1. Mục đích:
a. Theo nguồn hoa.
Nuôi ong phải xác định được sản lượng và trữ lượng nguồn hoa, kể cả mật, phấn hoa và bước đi hoa ở từng vùng, từng địa phương hằng năm. Đồng thời mỗi năm phải căn cứ vào thời tiết mà thăm dò, khảo sát lại.
b, Tổ chức khai thác tổng hợp.
Người nuôi ong phải biết lợi dụng nguồn hoa để có kế hoạch tạo thế đàn, khai thác triệt để nguồn hoa trong thời gian di chuyển.
c, Tổ chức cho một trại ong lưu động.
Phải hết sức gọn, các trang bị không cồng kềnh và nặng. Các dụng cụ ăn ở sinh hoạt phải bố trí cho ngăn nắp và theo thứ tự nhóm công việc.
d, Địa điểm.
Phải chọn vùng trung tâm nguồn hoa, thuận lợi cho giao thông vận chuyển và đảm bảo khai thác có năng suất cao.
Khi chọn một địa điểm nuôi ong , đặt trại ong lưu động để khai thác không cần cầu kỳ như trại ong cố định nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:
• Tranh đường xe lửa, xe hơi, lò đường và hơi độc.
• Việc bố trí hàng lối, tùy chọn mặt bằng nhưng phải đảm bảo thao tác kỹ thuật của công nhân.
• Nếu là nguồn hoa lớn mà mỗi trại có số ong không lớn hơn 100 đàn thì trại cách trại từ 500-700m.
Tùy theo từng loài hoa mà ta có thể bố trí như sau:
Nhãn |
15 đàn/ ha |
Chôm chôm |
15 đàn/ ha |
Cao su |
10 đàn/ ha |
Tràm |
20 đàn / ha |
Bắp |
20 đàn / ha |
Trà |
5 đàn/ ha |
Nếu nguồn hoa nhỏ và phân tán, mỗi trại phải cách nhau từ 1-2km.
2. Công tác bảo vệ
Kinh nghiệm của một trại ong lưu động cho thấy, nếu bố trí các dụng cụ vật tư không ngăn nắp và thiếu ghi chép thì rất dễ bị thất thoát.
Do lưu động quản lý sơ hở dễ bị thất thoát cho nên số người trong trại tối thiểu có mặt 2/3. Việc bố trí trại phải xem xét lối đi lại, đặc biệt là công nhân phải được bố trí ngủ ở trung tâm trại ong hoặc chia từ 2-3 nhóm để quản lý.
Phải nắm thật chắc tình hình ăn ở sinh hoạt và tập quán của địa phương, để tranh thủ sự ủng hộ của mọi người thì trại ong mới có thể đạt hiệu quả kinh tế cao.
III. Cách xác định nguồn hoa để chọn địa điểm
1. Công tác khảo sát.
Dù cho trại ong cố định hay trại lưu động thì đều phải có công tác khảo sát để xác định:
• Nguồn hoa chính: là nguồn hoa tập trung lớn nhất, có mật độ dày đặc.
• Nguồn hoa phụ: là nguồn hoa cùng trổ song song với nguồn hoa chính, nhưng mật độ thưa và sản lượng không cao.
• Nguồn hoa bổ sung: là nguồn hoa trong quá trình khai thác nguồn hoa chính, hoa có từng đợt cho cả mật và phấn.
• Nguồn hoa phân tán: là nguồn hoa có mật độ thưa, năng suất và sản lượng thấp (như hoa dừa).
Khi khảo sát 4 nguồn hoa trên, người nuôi ong có những nhận định và ước tính diện tích, năng suất, sản lượng để dự kiến sơ bộ. Và trên cơ sở đó có kế hoạch bố trí các trại ong sao cho mật độ đảm bảo khai thác được sản phẩm.
2. Lập sơ đồ xây dựng bước đi hoa.
Sau khi xác định được vùng có hoa và nguồn hoa, phải điều tra ngày hoa nở của từng tháng trong năm, nở lúc nào và tàn lúc nào.
Khi đã xác định được chu kỳ hoa nở thì lập sơ đồ có kế hoạch dự kiến di chuyển đàn ong trong năm. Nhưng trước khi di chuyển, để cho khỏi lỡ vùng khai thác, nên điều tra lại cho kỹ.
Số thứ tự |
Loại cây | Nguồn phấn | Nguồn mật | Thời gian |
1 |
Nhãn | ít | Nhiều | 15/4-20/5 |
2 |
Cao su | ít | Nhiều | 15/2-30/4 |
3 |
Cà phê | Trung bình | Trung bình | 15/11-15/1 |
4 |
Cúc | ít | Nhiều | 1/12-30/12 |
5 |
Tràm | ít | Nhiều | 15/1-15/8 |
6 |
Mận | Trung bình | ít | 15/12-30/4 |
7 |
Trà | Nhiều | ít | 1/5-30/12 |
8 | Mắc cỡ cao | Nhiều | – |
15/10-15/12 |
9 | Mắc cỡ thấp | Nhiều | – |
15/8-31/12 |
10 | Cỏ dại | Nhiều | ít |
1/1-30/2 |
11 | Bắp | Nhiều | – |
15/5-15/8 |
12 | Dừa | Trung bình | Trung bình |
1/7-30/9 |
13 | Lúa | Trung bình | Không có |
1/5-30/11 |
14 | Cam, chanh | Trung bình | Trung bình |
1/5-30/7 |
15 |
Chôm chôm | Trung bình | Nhiều |
15/3-30/4 |
Tóm lại:
Mùa mật từ tháng 12 đến tháng 7
Mùa phấn từ 15/5 đến 15/8 (đợt 1)
Từ 15/10 đến 15/2 (đợt 2)
III. Nắm chắc lịch sử nở hoa ở các địa bàn trại ong sẽ đến khai thác trong năm
Khi đã nắm được sơ đồ lịch bước đi hoa, trước khi di chuyển đến nguồn hoa ấy nên khảo sát thật kỹ để có dự kiến thật cụ thể để đi không muộn, đến không sớm.
Cây trồng và rừng ở Miền Nam, hoa nở có thể sớm hơn hoặc muôn hơn năm trước, đồng thời mức độ nở hoa tiết mật cũng không giống nhau, vì thời tiết không năm nào giống như năm nào cả. Đo đó, nếu chỉ nắm chắc lịch nở hoa ở các vùng mà không khảo sát lại và dự kiến chạy vùng sớm thì sản lượng thu hoạch sẽ không cao.
Nội dung của việc xác định nguồn hoa:
Khảo sát nắm chắc nguồn hoa chính là hoa gì? diện tích là bao nhiêu? ngày bắt đầu trổ và ngày kết thúc, khả năng tiết mật?
Nắm nguồn hoa bổ sung sau khi nguồn hoa chính kết thúc (diện tích ít hơn nguồn hoa chính).
Nắm nguồn hoa phân tán , là nguồn hoa chỉ có thể duy trì chứ không khai thác được.
Ví dụ: Khi khảo sát nguồn hoa ở cù lao Tân Phong, huyện Cái Bè:
Nguồn hoa chính nằm trong tầm hoạt động của con ong, khoảng 200ha chôm chôm, thời gian trổ hoa bắt đầu từ 24/4-20/5 kết thúc. Vòng quay từ 5-8 vòng.
Nguồn hoa phụ là mận và phấn, diện tích trong tầm hoạt động khoảng 100ha. Có thể duy trì để làm giống được thời gian dài từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5 và hỗ trợ cho khai thác mật chôm chôm.
Nguồn hoa phân tán có cây cóc và bắp rải rác không đáng kể, nhưng cũng bổ sung cho khai thác và nâng thế đàn.
Khi đã nắm được chắc chắn nguồn hoa rồi, nhưng trong quá trình khai thác cũng phải thăm dò sản lượng và thời gian, đồng thời phải điều tra thêm ở dân chúng về tình hình nguồn hoa để giúp cho những nhận định có cơ sở.
IV. Cách bố trí trại ong để khai thác
Căn cứ vào nguồn hoa lớn hay nhỏ và khả năng tiết mật.
Trong thực tế mấy năm qua, do đặc điểm tập quán và dịch hoa (chim chóc) mà các trại ong thường chạy cụm với nhau. Sở dĩ có tình trạng trên là nguồn mật hoa tập trung không đủ sức cung cấp cho các trại vì mật độ ong đông và ong thường sinh ra cướp mật (do khâu quản lý). Chạy phân tán thì bị chim phá hoại, mất an ninh.v.v..
Do đó việc bố trí một trại ong cần phải chủ động, sẵn sàng cơ động. Khi tình huống không tốt phải tìm cách xử lý ngay để tạo cho trại ong có ưu thế nhất trong thời điểm khai thác. Người cán bộ kỹ thuật nuôi ong hoặc trại trưởng luôn tạo ra cho mình một ý thức gắn liền với ngoại cảnh và tư thế chủ động hoàn toàn, không được chần chừ, ngại khó.
Còn trong thực tế, để bố trí một trại ong tập trung, thành cụm hoặc kéo dài hay phân tán là do địa hình và nguồn hoa ở đấy quyết định. Kinh nghiệm hiện nay cho thấy, cơ cấu quy mô một trại có thể 50 – 100 đàn nên bố trí tập trung để quản lý. Giữa trại này đến trại kia không nên để quá gần.
Tóm lại, muốn có sản lượng cao, nguồn hoa phải lớn, thời gian tiết mật và phấn phải dài. di chuyển không sớm và cũng không muộn trước khi hoa trổ và tàn.
V. Kết bài
Vậy là chúng ta vừa xem xong cách tìm kiếm một địa điểm để nuôi ong lấy mật. Cảm ơn bạn đã theo dõi Mật Ong Golden Bee. Chúc các bạn một ngày vui vẻ. Ở bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng đàn ong mật mạnh nhé
======
Bài viết được biên soạn bởi Mật Ong Golden Bee https://goldenbee.com.vn/
Tất cả về Mật Ong https://goldenbee.com.vn/mat-ong
Thông tin về Ong Mật https://goldenbee.com.vn/ong-mat
Sản phẩm Mật Ong Nguyên Chất Golden Bee https://goldenbee.com.vn/san-pham/mat-ong-nguyen-chat-golden-bee
Mật Ong Nguyên Chất Golden Bee
₫100,000 – ₫500,000
Mật ong nguyên chất Golden Bee, khai thác tại Tây Nguyên.
Đóng chai theo quy trình khép kín, bảo đảm VSANTP.
Đã hạ thủy phần trong nước dưới 20%.