I. Thùng Ong Theo Cách Nuôi Cổ Truyền
1. Dụng cụ nuôi ong gác kèo Dorsata (Ong khoái)
Có nơi theo tập quán khai thác tự nhiên nhưng số lượng tổ khai thác không được nhiều, có nơi có tập quán gác kèo để chủ động vụ ong, số kèo có thể gác được từ 50% trở lên.
• Kèo ong được chuẩn bị ngay từ đầu vụ như sau:
Thường dùng bằng một cây tràm suông dài 1,6m có đường kính từ 6-10 cm, gọt đẽo đi gần 1/3 rồi móc hơi lồm vào, xong hơ lửa cho nám đi, tiếp theo đó phơi khô dự trữ. Khi đem kèo ra dùng, để cho ong tiếp thu mau nên nấu sáp ong trát vào thân kèo ở đoạn giữa, đặc biệt là phần lõm trát nhiều hơn. Khi gác kèo người ta chọn một vị trí thuận tiện cho lấy mật sau này và ít người qua lại, có bóng mát, đủ ánh sáng, ít bị giông gió uy hiếp..v..v…
Ong gác kèo
• Guồi: Hình dạng guồi giống như một cái gàu tát nước nhưng được trét kỹ không chảy và có quai mang cẩn thận để đựng mật khi vào rừng lấy mật.
• Dao cắt sáp ong: Người ta thường dùng tre dài khoảng 20cm, không dùng kim loại vì người ta cho rằng ong kị kim loại nên hung dữ.
• Bùi nhùi: Thường dùng bằng vỏ dừa khô, vỏ tràm hoặc vải rách.v..v….có tẩm dầu để cho dễ bắt lửa và nhiều khói.
Trong 4 dụng cụ để bắt ong gác kèo thì kèo ong là quan trọng nhất. Nếu kèo làm không đủ tiêu chuẩn thì ong không tiếp hoặc tiếp thì cũng rất ít.
2. Dụng cụ nuôi ong Apis Indica, Cerrena
Hiện nay các vùng miền núi còn đang nuôi phổ biến ở các gia đình thuộc dân tộc ít người, thường có tên gọi là đò ong hoặc bọng ong.
Loại thứ nhất:
Người ta chọn các loại cây có bọng mà ong thường hay thích cư trú. Khi đem các bọng trên về, người ta tu bổ lại: đẽo bớt vỏ, khoét rộng ra tạo cho thành bọng từ 2-3cm. Phía trong bọng tương đối nhẵn nhụi, chiều dài của bọng từ 0,6-1,2m tùy theo người sử dụng. Đường kính của bọng tùy theo khúc cây đó lớn hay nhỏ, hai nắp bọng dùng bằng thúng hoặc nia rách để đậy lại. Xong dùng dùi lửa đục từ 1-10 lỗ nhỏ cho con ong mật ra vào một đầu bọng. Sau khi lắp xong nắp lại thì dùng tro bùn hoặc đất sét nhồi kín, trét kỹ các kẽ hỡ.
Sau khi chuẩn bị bọng xong, người ta treo ở mái nhà hoặc mái chuồng trâu, chuồng heo.v..v…nghĩa là tìm một nơi thật yên tĩnh và thuận lợi cho việc đi lại của con ong cũng như thao tác của người nuôi. Khi treo bọng, nên tạo độ dốc khoảng 15 độ để tránh đọng nước (dốc miệng xuống).
Bọng ong mật
Loại thứ hai:
Dùng bùn, đất, tro và rơm nhồi lại thành ụ đất. Trong ụ tạo thành một cái hang có nắp gỗ đậy lại, nắp gỗ có thể vuông hoặc hình chữ nhật hay tròn, nắp đậy dày khoảng 2-3cm có thể tháo rời thuận lợi để khi ong làm tổ, các bánh tổ sẽ gắn liền với nắp, dễ dàng khai thác.
Việc khai thác mật ong ở hai loại bọng ong này đều dùng phương pháp cắt và vắt, mỗi năm chỉ có thể tiến hành từ 2-4 lần lấy mật. Do năng suất thấp, ong hay chia đàn, tác động kỹ thuật vào đàn ong khó khăn, công tác quản lý đều phụ thuộc vào tự nhiên.
II. Dụng cụ nuôi ong mật theo phương pháp mới
Ở miền Nam hiện nay có ba loại giống ong mật được nuôi theo phương pháp mới nhưng dụng cụ để tác động thì có hai loại thường dùng. Về kiểu cách hai loại này không có gì khác nhau mấy, chỉ khác nhau về kích thước.
1. Thùng nuôi ong mật nội địa (Apis Indica)
• Thùng tiêu chuẩn (thùng gốc):
Thùng nuôi ong phải đáp ứng được và phục vụ được các yêu cầu kỹ thuật, công tác di chuyển, chăm sóc và khai thác..v..v…đồng thời phải thích nghi với việc sinh sống của con ong mật là: giữ được độ ẩm, nhiệt độ, đảm bảo tối và kín đáo. Để các bạn dễ hình dung và tham khảo, xin giới thiệu một kiểu thùng đang được sử dụng ở nhiều địa phương. Tiêu chuẩn một thùng ong cần:
Gỗ phải nhẹ, khó nứt, không bị vặn vẹo và sâu mọt, dày từ 1,7-2cm (nếu sử dụng được gỗ thông phơi khô thì quá tốt).
Gỗ phải liền hoặc ghép âm dương, đặc biệt là nắp thùng nên ưu tiên ván tốt và không nên ghép nhiều miếng để tránh mưa nắng.
Để tránh mưa gió làm thùng gỗ mau hư ta cần lợp thiếc và sơn để sử dụng được lâu.
• Thùng nhân:
Chiều ngang chỉ bằng 1/2 thùng gốc, còn mọi kích thước khác thì bằng nhau.
Trước đây không ai dùng thùng nhân nhưng trong thực tế quản lý, thùng nhân rất thuận lợi để quản lý đàn ong mật dưới 4 cầu, gọn nhẹ khi di chuyển, chống nóng và lạnh rất tốt, chỉ khi quay mật mới chuyển vào thùng gốc.
2. Thùng nuôi ong giống Mellifica (ong ngoại)
Nói chung về gỗ ván, chất lượng của thùng, yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật đều giống như thùng nuôi ong nội địa. Khác nhau về kích thước như sau:
• Thùng 10 khung cầu.
Kích thước thùng 10 chỉ nhỏ hơn bề ngang của thùng 12 là 75mm (kiểu thùng liên xô cũ) nghĩa là giảm đi hai cầu, còn chiều cao và chiều dài đều giống nhau.
Thùng ong ngoại
• Thùng nhân.
Thùng nhân chiều dài và chiều cao cũng giống thùng 12, riêng chiều rộng thì chỉ chứa được 4 cầu và vách ngăn.
• Thùng kế.
Chiều dài, chiều rộng cũng bằng thùng 10 cầu, riêng chiều cao thì 145mm và không đáy. (đáy nó chồng lên miệng thùng dưới, nắp nó là nắp thùng dưới đậy lên trên được)
• Thùng giao phối có 2 loại, như sau:
1. Loại 1/2 (dùng cầu 1/2)
Chiều cao của thùng không thay đổi, chiều dài và chiều ngang của thùng và khung cầu thì giảm đi 1/2, nghĩa là hai cầu giao phối thì ghép lại vừa lọt vào lồng của một khung cầu tiêu chuẩn.
2. Loại thùng 1/4 (mỗi cầu bằng 1/4 cầu tiêu chuẩn)
Loại thùng này thay đổi toàn bộ kích thước nhưng bốn cầu con ghép lại phải nằm gọn trong một cầu tiêu chuẩn.
III. Các dụng cụ cần thiết để lập một trại ong
1. Dụng cụ bắt ong bốc bay và sẻ đàn.
• Bảo hiểm: lưới che mặt, găng tay, áo quần dài tay.
• Dụng cụ bắt ong: Thùng ong, khung cầu đẻ hoặc nhộng, nón lá, sào, đồ ném, mùng, dao, búa, cưa, lồng nhốt chúa, thức ăn dự trữ v.v…
2. Dụng cụ nhốt chúa.
• Lồng nhốt chúa tơ bằng hộp, lưới mắt cáo.v.v..
3. Dụng cụ cho ong ăn.
• Nồi nấu nước đường, thùng pha nước đường, máng cho ong ăn, ấm, bình rót nước đường, thau, chậu, muỗng pha phấn nhân tạo.
4. Dụng cụ khai thác mật.
• Thùng quay mật: kiểu thùng ong nội địa, thùng có thể quay tay hoặc quay điện, có loại dùng quay 2 cầu, có loại 3-12 cầu, quay ly tâm.
• Lưới ngăn ong chúa bay đi.
• Dao cắt mật: loại có răng cưa.
• Can đựng mật.
• Lưới lọc mật.
• Phễu rót mật.
• Thau chậu đựng sáp.
• Đồ cạy thùng & cầu ong.
5. Dụng cụ gắn, hàn nền sáp.
• Mỏ hàn bằng than hoặc điện, kìm, dây chì, dao cắt sáp, nồi nấu sáp.v.v..
6. Dụng cụ gây ong chúa.
• Khung cầu tạo sữa, khuôn đúc mũ chúa, kim di ấu trùng, Mũ tướng, lồng bảo vệ mũ chúa.
7. Dụng cụ khai thác phấn hoa.
• Lưới hoặc hộp thoát phấn, máng hứng phấn, máng phơi phấn, rây, sàng phấn, phễu rót phấn, túi dự trự phấn.
9. Dụng cụ khai thác sáp ong.
• Nồi nấu sáp, dao cạo sáp, đồ lọc sáp, dụng cụ đóng bánh sáp.
10. Dụng cụ phòng trị bệnh.
11. Dụng cụ khai thác nhộng ong.
12. Dụng cụ chống nóng, lạnh.
13. Dụng cụ cho công nhân viên sinh hoạt đời sống để phục vụ ăn ở làm việc.
IV. Kết bài
Trên đây là một số vật dụng, dụng cụ nuôi ong cần thiết để lập nên một trại ong dành cho người mới bắt đầu tham khảo. Tuy nhiên vẫn có một số chi tiết hoặc vật dụng bị thiếu sót hoặc lỗi thời, không còn sử dụng nữa. Tốt nhất bạn nên tham khảo thêm từ bạn bè có kinh nghiệm hoặc liên hệ trực tiếp Golden Bee để tìm hiểu cũng như cập nhật thông tin mới nhất trước khi bắt tay xây dựng đàn ong của mình. Cảm ơn bạn đã đọc, hẹn gặp bạn ở bài tiếp theo: Cách chọn một địa điểm nuôi ong lấy mật.
======
Bài viết được biên soạn bởi Mật Ong Golden Bee https://goldenbee.com.vn/
Tất cả về Mật Ong https://goldenbee.com.vn/mat-ong
Thông tin về Ong Mật https://goldenbee.com.vn/ong-mat
Sản phẩm Mật Ong Nguyên Chất Golden Bee https://goldenbee.com.vn/san-pham/mat-ong-nguyen-chat-golden-bee
Mật Ong Nguyên Chất Golden Bee
₫100,000 – ₫500,000
Mật ong nguyên chất Golden Bee, khai thác tại Tây Nguyên.
Đóng chai theo quy trình khép kín, bảo đảm VSANTP.
Đã hạ thủy phần trong nước dưới 20%.