Dưới đây, Golden Bee xin chia sẽ các phương pháp kiểm tra đàn ong mật.
I. Mục đích của công tác kiểm tra.
Muốn nuôi ong mật có kết quả, đạt sản lượng cao mà công tác kiểm tra lơ là, không chú ý, không trở thành một công việc thường xuyên thì sẽ không có những dự định và chuẩn bị đối phó, xử lý đàn ong hoặc cả trại ong trong hoàn cảnh đột biến.
Kiểm tra đàn ong hoặc trại ong sẽ giúp cho người nuôi ong nắm chắc chắn toàn bộ hoặc chất lượng của đàn ong mật hoặc trại ong một cách cụ thể:
• Tình hình sức đẻ của con ong chúa, chúa đã mất hay vẫn còn trong tổ.
• Nắm các giai đoạn sinh trưởng phát dục của nội bộ từng đàn hoặc cả trại.
• Nắm mức sung túc của ong thợ và sự phát sinh của ong đực.
• Nắm tình hình dự trữ thức ăn trong tổ (mật và phấn).
• Nắm chắc tình hình sâu bệnh và dịch hại cũng như thiên tai đối với đàn ong và trại ong.
Trên cơ sở kiểm tra, có dự kiến đánh giá tình hình chung và cá biệt, tìm những nguyên nhân đưa đến những biến đổi tăng hoặc giảm cho đàn ong hoặc trại ong mật. Từ đó đề ra những biện pháp cụ thể, kịp thời tác động kỹ thuật.
II. Những yêu cầu của công tác kiểm tra.
Có nhiều phương pháp kiểm tra, nhưng trước hết phải dùng phương pháp quan sát. Quan sát là hình thức kiểm tra tổng quát nhất. Từ đó ta mới định ra phương pháp kiểm tra chi tiết và cụ thể hơn.
Ví dụ: Sáng sớm ra, người nuôi ong quan sát thấy thời tiết khí hậu và có nhận định: hôm nay mưa hay nắng, nóng hay lạnh, sương mù hay quang đãng..v..v… Coi tốc độ đàn ong mật đi làm nhiều hay ít? có đàn ong nào trong trại đình trệ hoạt động không? có bị phá hoại do trộm cắp hoặc chết do hóa dược không ? v.v… Vì đời sống của ong mật rất nhạy cảm với mọi biến động của ngoại cảnh, nên khi quan sát xong, nắm chắc tình hình, người nuôi ong có thể dùng một trong các cách sau để kiểm tra:
Kiểm tra theo định kì:
Sau khi quan sát toàn trại, nếu không phát hiện có dấu hiệu biến động, mất bình thường, người nuôi ong có thể yên trí làm công việc khác và chờ đến kì kiểm tra theo quy định đã đặt trước.
Kiểm tra cục bộ:
Kiểm tra một số đàn trong cả trại. Khi có nhiều đàn có dấu hiệu nghi vấn: ong không đi làm, hoặc có hiện tượng cướp mật hay bị chết nhiều ở trước cửa thùng ong, nhiều thùng có ong thợ bụng to, bò đi bò lại la liệt dưới đất.v.v….thì phải tìm cách khắc phục.
Kiểm tra một số cầu trong một đàn. Chỉ cần kiểm tra 1/2-2/3 số cầu trong đàn là đủ đánh giá được đàn ong có hiện tượng gì.
Ví dụ: Nghi vấn đàn ong thiếu ăn thì chỉ cần kiểm tra cầu dự trữ thức ăn trong cùng. Nghi vấn bệnh chí thì kiểm tra các cầu có ô lăng ong đực hoặc ô lăng ong thợ hay dưới khay lưu huỳnh.v.v..
Kiểm tra đàn ong
Kiểm tra đột xuất:
Trong những trường hợp nghi vấn đặc biệt, thường là do kinh nghiệm quan sát lâu năm.
Ví dụ: Những đàn mới giới thiệu chúa mới, những đàn mới nhập, kiểm tra coi chúa có còn không. Ở vào vụ quay mật thì chỉ kiểm tra một vài đàn để dự kiến ngày thu hoạch mật hoặc kiểm tra kết quả dùng thuốc cho ong.v.v…
Kiểm tra toàn diện:
Kiểm tra toàn trại ong mật:
• Để điều chỉnh thế đàn trước khi vào vụ khai thác hoặc cuối vụ khai thác.
• Để đánh giá mức độ sâu bệnh hoặc do thức ăn hay thuốc trừ sâu.
• Do biến động ở ngoại cảnh như nóng lạnh hoặc mưa bão kéo dài.
• Do di chuyển từ địa điểm cũ sang địa điểm mới.
Kiểm tra một đàn ong:
Kiểm tra mức độ sung túc của đàn ong. Đánh giá mức độ tỉ lệ mật ong để có dự kiến khai thác (nhiều ong non thì làm sữa ong chúa, khai thác sáp ong tốt, nhiều ong già khi thu hoạch mật ong, nọc ong).
• Kiểm tra khả năng tiết sữa, tiết sáp.
• Kiểm tra các giai đoạn như trứng, ấu trùng, nhộng và sức đẻ của ong chúa.
• Kiểm tra sâu bánh tổ, sâu đục tầng, thối ấu trùng, bệnh chí rận và nhộng ong.
• Kiểm tra thức ăn dự trữ, mật và phấn.
• Kiểm tra để loại bỏ cầu ong cũ và xây cầu mới.
• Kiểm tra độ kín của thùng ong và mọi yếu tố kỹ thuật khác.
Quan sát tốt sẽ giúp cho công tác kiểm tra càng được cụ thể hơn, từ đó có giải pháp xử lý chính xác và đúng đắn hơn.
III. Thứ tự kiểm tra một đàn ong mật
1. Chuẩn bị:
Muốn kiểm tra tốt thì công tác chuẩn bị phải thật chu đáo, trước hết lấy kết quả ghi chép của đợt kiểm tra lần trước và xem xét lại mọi chi tiết đã dự kiến xử lý và đã xử lý rồi. Từ đó có những dự kiến kiểm tra sâu vào các trường hợp cần phải tập trung xem xét & giải quyết.
Chuẩn bị các dụng cụ cần thiết cho kiểm tra như: Bình xịt khói, dao, găng tay, lưới che mặt.v.v…
Dự kiến thời gian kiểm tra và kết thúc. Phải chú ý thời gian kiểm tra trong ngày, nghiêm túc trong mọi thao tác kỹ thuật.
Yêu cầu của công tác kiểm tra là phải tiến hành vào lúc trời sáng, im gió, không lạnh hoặc nóng quá, tránh mưa.v.v… Thường bắt đầu kiểm tra trong khoảng từ 8h sáng đến 16h chiều là hợp lý nhất.
Tại sao khi kiểm tra đàn ong phải chọn thời gian và các yếu tố trên? Con ong mật rất nhỏ bé, bản thân nó sống cần phải có độ ẩm và nhiệt độ thích hợp, nhưng từng cá thể không tạo ra được nhiệt độ và độ ẩm cho nhu cầu sinh lý. Công việc này đòi hỏi một tập đoàn lớn của cá thể mới đủ sức tạo ra. Khi tạo ra một biên độ cân bằng đủ nhu cầu cho cả đàn ong thì trước hết phải tốn đi một lượng lớn thức ăn khá lớn.
2. Tiến hành kiểm tra:
Đốt bình xịt khói, giữ cho mức độ khói vừa phải để giảm sự hung dữ của đàn ong.
Đánh số thứ tự các thùng dự kiến kiểm tra.
Tiến hành quan sát lại một lượt toàn trại và cá thể các thùng ong dự kiến kiểm tra.
Động tác là nên đứng phía bên hông, tránh lối đi về của ong thợ. Khi đứng bên hông thì cũng nên đứng phía bên ván ngăn để khi giở nắp thùng ra tiện cho việc quan sát mặt ngoài của khoảng trống trong thùng.
3. Nội dung kiểm tra:
Khi mở nắp thùng ong, thấy quân ong thợ phủ đầy, đều trên mặt nắp thùng, vách ngăn là biển hiện của một đàn ong tốt. Ngoài ra còn quan sát độ ẩm xung quanh trong nắp trùng, đáy thùng. Độ ẩm ướt càng nhiều thì đàn ong càng sung túc, khỏe mạnh. Tiếp đó quan sát để phát hiện các vi vật khác như bướm, sâu, ong vò vẽ, thằng lằn…và mức độ rơi chí đối với bệnh của ong Ý.
Tiến hành kiểm tra các khung cầu ong. Nới ván ngăn hoặc rút ván ngăn ở đàn ong mạnh để kiểm tra. Đối với đàn ong mạnh nên rút bớt 1-2 khung cầu ra. Các khung cầu này cũng được kiểm tra trước và ghi chép cụ thể.
Đàn ong mật mạnh
Trường hợp các khung cầu này có ong chúa bám thì lập tức để lại thùng. Khi thấy ong chúa nên có nhận xét về chúa ngay, tầm vóc, sức sống, ngoại hình để nhận diện. Công việc kiểm tra như vậy cứ tuần tự hết số cầu còn lại trong thùng và ghi chép tình hình của từng khung cầu. Sau khi kiểm tra, phải có dự án điều chỉnh và xử lý ngay các trường hợp sau.
• Nhận xét về hình thái và chất lượng con ong chúa qua sức đẻ trứng ở các khung cầu nhiều hay ít, đẻ ở trên khung cầu có đều và đẹp không ?
• Nhận xét các giai đoạn có đủ và có cân đối giữa cầu trứng, cầu ấu trùng, cầu nhộng và dự trữ thức ăn không.
• Nhận xét về khả năng tiết sáp xây cầu mạnh hay yếu hoặc không xây.
• Nhận xét về tình hình sâu bệnh trong đàn ong, tình trạng và mức độ, xử lý ngay nhộng trần ong đực.
• Nhận xét sự sung túc của ong thợ gắn liền với độ ẩm, nhiệt độ của thùng ong.
Kết hợp đó là công tác vệ sinh và chống các kẽ hở của thùng.
4. Tóm tắt & nhận xét từng đàn ong sau khi kiểm tra:
• Tình trạng chúa: Tốt, xấu, cần thay hay để tiếp.
• Các giai đoạn tốt xấu.
• Mức độ dự trự thức ăn.
• Khả năng xây cầu lấy sáp.
• Tình trạng sâu bệnh cần xử lý.
• Mức độ phủ của ong thợ.
• Dự kiến khai thác.
5. Đề ra phương án xử lý cụ thể.
Xử lý nội bộ ngay cho một đàn ong nếu là trường hợp cá biệt. Nếu một đàn ong do một khuyết điểm nào đó có thể tự chỉnh đốn lại mà vẫn duy trì tốc độ phát triển thì thôi, nếu không đủ sức thì phải có sự tác động thêm nhiều yếu tố kỹ thuật của người nuôi ong hoặc phải có sự hỗ trợ từ đàn ong khỏe khác.
Ví dụ:
Viện trợ ngay cầu nhộng, cầu ấu trùng hoặc cầu trứng, cầu thức ăn.v..v.. nhằm ổn định cho đàn ong.
Có thể viện trợ hoặc bổ sung chúa mới khi đàn ong bị mất chúa hay chúa có sức đẻ kém.
Xử lý toàn trại vì có thể do quy trình kỹ thuật sai hoặc do ngoại cảnh, hoặc sâu bệnh tác hại như bệnh chí phát triển, bệnh nhiễm độc do thức ăn, bệnh thối ấu trùng hoặc khô ấu trùng, bị cướp mật ở diện rộng, sâu đục tầng, viên khí quản của ong thợ.v.v…
Công tác kiểm tra & xử lý toàn trại thường là một thao tác kỹ thuật mang tính chất tổng hợp, do đó người nuôi ong nắm không vững hoặc lúng túng hay nhút nhát sẽ dẫn đến tính trang suy sụp cả trại ong rất nhanh.
Những vấn đề cần chú ý , trong kế hoạch kiểm tra và biện pháp xử lý là mọi thao tác kỹ thuật. Cũng như thời gian thực hiện là phải hết sức nhanh nhẹn, mạnh dạn, gọn gàng và kịp thời. Có như vậy mới tác động được đối tượng.
======
Bài viết được biên soạn bởi Mật Ong Golden Bee https://goldenbee.com.vn/
Tất cả về Mật Ong https://goldenbee.com.vn/mat-ong
Thông tin về Ong Mật https://goldenbee.com.vn/ong-mat
Sản phẩm Mật Ong Nguyên Chất Golden Bee https://goldenbee.com.vn/san-pham/mat-ong-nguyen-chat-golden-bee
Mật Ong Nguyên Chất Golden Bee
₫100,000 – ₫500,000
Mật ong nguyên chất Golden Bee, khai thác tại Tây Nguyên.
Đóng chai theo quy trình khép kín, bảo đảm VSANTP.
Đã hạ thủy phần trong nước dưới 20%.