Xử Lý Đàn Ong Bị Mất Chúa & Phương Pháp Nhập Một Đàn Ong

Ở bài viết trước, Golden Bee chúng tôi đã nêu ra một số biến động của đàn ong khiến đàn ong bỏ tổ và bốc bay đi cùng một số phương pháp để khắc phục. Tuy nhiên, nếu đàn ong đã bay đi hoặc mất chúa thì bạn không thể làm gì được. Hôm nay, chúng tôi xin chia sẽ các phương pháp xử lý đàn ong bị mất chúa và phương pháp nhập một đàn ong.

I. Xử lý đàn ong bị mất chúa

1. Nguyên nhân gây ra đàn ong bị mất chúa

Việc tạo chúa tơ ở trong mùa vụ thích hợp, quyết định rất lớn đến tỉ lệ kết quả. Các nhà nuôi ong ở các tỉnh phía Nam đều có nhận xét chung: Chúa phối giống cao nhất và tỉ lệ còn lại từ 80-95%. Chúa tạo từ tháng 7 đến 9,10,11 hằng năm là tốt, nhưng tốt nhất là từ tháng 10 đến tháng 11. Và vùng tạo chúa tốt nhất là ở Long Khánh, Củ Chi, và Lâm Đồng. Trong tương lai, vùng củ chi là tốt nhất vì nguồn thức ăn, thời tiết rất phù hợp. Củ Chi có thể làm từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm.

Trong thực tế, bị mất chúa là hiện tượng thường xuyên xảy ra trong một trại ong mật. Dưới đây là một số trường hợp thường xảy ra & nguyên nhân chúa tơ đi phối giống về bị mất là do:

• Chúa phối giống bị lạc mất hướng về tổ
• Bị chim chóc ăn trên đường về
• Bị rơi xuống ao hồ
• Bị gió cuốn đi mà lạc hướng
• Bị kẻ thù khác vào trong thùng ong như thằng lằn, ong vò vẽ, ong lỗ hoặc là ong bị cướp mật, bị ong thợ bao vây. Có trường hợp bị ong chúa khác đi phối giống về lộn tổ cắn chết.v.v…
• Ong chúa già hoặc bị bệnh tật mà chết đột ngột.
• Bị chấn thương do quá trình vận chuyển hoặc do sơ xuất bởi thao tác kiểm tra của người nuôi ong mật.
• Do bắt đàn ong về không chú ý để chết hay sót lại. Cũng có trường hợp do kiểm tra để cầu ong lâu bên ngoài làm cho ong chúa bay lộn tổ (đặc biệt là ong nội địa).

2. Cách xử lý

Nếu là đàn ong nhỏ, nhất là các đàn để tạo chúa phải tiến hành nhập lại ngay. Nếu để lâu, số ong thợ còn lại sẽ mất dần do đi tìm chúa rồi lộn tổ hoặc bị cướp mật.

Nếu là đàn mạnh, trường hợp nuôi cá thể và xa các trại ong khác mà số lượng đàn ít không có mũ chúa dự trữ, nên tạo ngay chúa cấp tạo (cách tạo chúa sẽ giới thiệu sau) để có chúa ra đời sớm nhằm cho đàn ong thợ không đẻ trứng, rồi sau đó tìm được chúa tốt sẽ thay bỏ chúa cấp tạo. Nếu có chúa hoặc mũ chúa dự trữ thì giới thiệu ngay để cho đàn ong không bị rối loạn về tâm lý.

Trường hợp ong thợ đẻ trứng là trường hợp bất khả dĩ, trong khâu kĩ thuật bị lỗi lầm khi đàn ong bị mất chúa lâu ngày mà không phát hiện kịp thời

Trước hết là rút loại các khung cầu đã bị ong thợ đẻ trứng ra phơi nắng từ 10-15 phút hoặc ngâm vào nước lạnh đột ngột khoảng 1 giờ, sau đó dùng máy quay mật quay cho trứng rớt ra khỏi ô lăng.

Thay thế lại bằng khung cầu chỉ có nhộng và ấu trùng, chứ không nên đẻ cầu không trở lại.

Tiếp theo là giới thiệu ngay mũ chúa hoặc chúa mới càng tốt. Nhưng dù mũ chúa hay chúa mới đều phải có lồng bảo vệ ít nhất là 24h để cho chất chúa tác động mạnh vào tâm lý đàn ong thợ thì mới đủ thời gian cắt đứt mọi kích thích đẻ trứng của ong thợ.

Nếu ong thợ vẫn đẻ trứng thì phải nhập đàn này vào một đàn khác và đàn đó phải mạnh hơn bản thân nó và có đủ yếu tố: chúa đẻ trứng tốt, nhộng, ấu trùng và trứng đủ giai đoạn. Trường hợp nhập đàn ong thợ đẻ trứng với một đàn mạnh thường đạt kết quả hơn hết, nhưng nên kiểm tra thường xuyên để đề phòng chúa bị bao vây.

Trong thực tế một đàn ong bị mất chúa mà ong thợ đẻ trứng thì xử lý rất phức tạp, công phu, mất nhiều công sức. Cho nên người nuôi ong phải nghiên cứu tìm ra một biện pháp tối ưu để xử lý sao cho kinh tế nhất.

II. Phương pháp nhập một đàn ong mật

Qua nhiều năm theo dõi ở các cơ sở nuôi ong (kể cả quốc doanh) mỗi nơi đều có những kinh nghiệm nhập ghép ong khác nhau, rất phong phú. Ở đây xin giới thiệu một số phương pháp nhập ong có tính cách phổ thông, để cho các bạn mới vào nghề nuôi ong tham khảo.

1. Nhập ong để xử lý

a, Nguyên nhân của việc này là:

• Đàn ong bị mất chúa lâu ngày mà không có chúa thay thế.
• Đàn ong bị sâu bệnh xâm nhập, sau khi điều trị khỏi mà thế đàn yếu kém không còn đủ sức để tự nó phát triển được nữa.
• Thế đàn ong giảm sút do nhiều nguyên nhân khác nhau: do khai thác sản phẩm, do chúa đẻ kém hoặc do kỹ thuật nuôi dưỡng yếu.

b, Chuẩn bị nhập và thời gian tiến hành nhập:

Sau khi kiểm tra trại ong và phát hiện có những nguyên nhân trên gây ra cho một đàn ong nào đó ta phải có những động tác chuẩn bị.

Chọn đàn ong còn chúa, có sức đẻ tốt hoặc chúa tơ mà thế đàn không mạnh lắm. Đàn được chọn này gọi là đàn nhập, còn đàn bị nhập là đàn do các nguyên nhân trên chi phối để tạo ra từ hai đàn không tốt lắm sau đó trở thành một đàn có thế mạnh vững chắc.

Do yêu cầu của phương pháp nhập mà ta cần chuẩn bị trước nội dung & một số dụng cụ như sau:

• Nhập bằng ván ngăn hoặc tờ báo thì chỉ cần tấm ván hoặc tờ báo.
• Nhập trực tiếp thì cần chuẩn bị lồng nhốt chúa, nước lạnh, bình xịt khói.
• Ngoài ra còn cần cầu dự trữ thức ăn hoặc thức ăn bổ sung cho trường hợp hai đàn nhập ở cự ly cách xa nhau mà khi nhập phải đóng cửa.
• Tạo điều kiện cho hai đàn gần nhau để khi nhập là đảm bảo số quân ong thợ không bị giảm sút (do bay về vị trí tổ cũ) bằng cách xê dịch dần hai đàn đến một vị trí thích hợp.

Thời gian nhập đàn đối với ong ngoại có thể tiến hành vào ban ngày, nhưng muốn an toàn và đạt hiệu quả cao là nên nhập vào lúc trời tối, lúc đàn ong không còn đi làm nữa (cả ong nội lẫn ong ngoại).

c, Phương pháp tiến hành:

Khi đã chuẩn bị những giai đoạn trên thì ta bắt đầu nhập đàn như sau:

Nếu nhập trực tiếp, nên cẩn thận dùng lồng nhốt chúa trước, rồi xê dịch các cầu ong của đàn được nhập cách khoảng nhau độ 5-6cm. Xong lần lượt giũ các cầu ong cho quân ong thợ rơi xuống thùng rồi dùng khói hoặc nước lạnh phun ra một lượt cho đồng hóa mùi. Sau đó mới lần lượt giũ hết các cầu ong ở đàn ong bị nhập vào các khoảng cách của thùng ong rồi dùng dùng nước, khói phun lên một lần nữa như trên. Sau cùng ghép sát các cầu ong lại như cũ rồi đậy nắp (nếu hai đàn đã gần nhau rồi thì không cần đóng cửa nữa).

Sau đó khoảng 15-30 phút, kiểm tra dưới đáy thùng mà không thấy xác ong thợ chết do cắn nhau là bước đầu đã an toàn. Đến 24h sau, ong thợ bắt đầu đi làm việc bình thường thì tiến hành thả chúa ra được.

Nhưng sau khi thả chúa cũng nên quan sát một lượt nữa, nếu an toàn thì sau đó 1-2 giờ kiểm tra đều đặn thấy chúa an toàn, không bị vây thì coi như phương pháp nhập một đàn ong đã thành công.

Trường hợp ong thợ tiếp tục cắn nhau, nên nhấc các cầu ong lên giũ cho ong thợ rơi xuống rồi phun nước, khói với liều lượng và thời gian dài hơn để cắt đi phản xạ cắn nhau của chúng và đồng hóa được mùi lạ. Khi kiểm tra ong chúa bị bao vây thì nhốt chúa lại ngay và kéo dài thời gian từ 48-72 giờ, đồng thời tiếp tục đồng hóa mùi như trên bằng phương pháp nhắc đi nhắc lại vài lần nữa.

Nếu nhập gián tiếp, đối với ong ngoại thì an toàn hơn ong nội địa. Dùng một thùng ong rộng, nếu nhập bằng ván ngăn thì cần hai tấm, một tấm ngăn số cầu của đàn được nhập, một tấm ngăn số cầu của đàn bị nhập mới vào. Hai ván ngăn để cách nhau từ 3-5cm. Để như vậy mùi vị của hai đàn dần dần đồng hóa với nhau do tác động luân chuyển của không khí, đồng thời quân ong thợ sẽ lần lượt đi lại và làm quen với nhau. Sau hai giờ trở đi có thể nhích dần hai ván ngăn lại và sau đó rút dần ván ngăn cho đến khi rút cả ván ngăn thứ hai rồi ghép các cầu ong lại dần.

Cần theo dõi mỗi động tác và thời điểm tiến hành, sau đó phải quan sát mức độ an toàn. Trường hợp nhập bằng tờ báo thì không cần vách ngăn mà chỉ việc xếp gấp tờ báo sao cho phủ từ trên các mặt cầu ong tới mặt ngăn cách giữa hai đàn ong nhập và mí dưới tờ báo chạm tới đáy thùng ong. Mặt trên của các cầu đàn ong bị nhập khỏi phủ báo. Trong quá trình lao động có mùi của hai đàn đã đồng hóa với nhau quen dần, đồng thời cũng do cùng chung sức lao động phá chướng ngại mà cũng nhau quên mất phản xạ cắn giết nhau. Khi tờ báo thủng thì bắt đầu có cuộc tiếp xúc ngay bằng cử chỉ thân thiện của những con ong đầu tiên, tiếp theo là những cuộc gặp gỡ hữu nghị ngày càng đông cho tới khi tờ báo bị cắn phá tan nát và hai đàn ong trở thành một khối thống nhất giữa sự cai quản của một chúa.

d, Điều kiện để nhập

• Dùng một đàn mạnh hơn, chúa còn đẻ tốt như trên.
• Dùng hai đàn yếu với nhau, ta dùng một con chúa tốt nhất. Nếu có hai chúa thì cất một con dự trữ.
• Trường hợp đàn không chúa, nhất thiết phải nhập vào đàn có chúa mặc dù số quân ong thợ của bản thân nó còn mạnh hơn đàn có chúa.

2. Nhập để làm giống

a, Mục đích

• Nhập nhưng vẫn giữ được thế đàn mạnh của đàn ong gốc để khai thác.
• Nhập trong thời gian ngắn để tạo thành một đàn ong giống tiêu chuẩn

Trong thực tế thì từ “nhân giống đàn ong”” được thay thế cho từ “nhập một đàn ong”

b, Các phương pháp nhân và tiến hành

• Sau khi tạo được chúa tơ đã phối giống và dụng cụ như lồng giới thiệu chúa và thùng nhân thì có thể tiến hành chọn đàn gốc để tách ra nhân. Tách số cầu của hai đàn mạnh để nhập lại nhằm nhân thêm một đàn mới

Ví dụ: Hai đàn có từ 10-12 cầu ong tốt, có thể rút bớt mỗi đàn từ 2-3 cầu có đủ giai đoạn để nhập lại rồi giới thiệu chúa vào, tạo ngay một đàn giống mới có từ 4-6 cầu.

• Tách số cầu của 4 đàn mạnh để tạo ngay 5 đàn mạnh bằng nhau.

Ví dụ: 4 đàn có bình quân 10-12 cầu. Tách mỗi đàn từ 2-3 cầu ghép lại thành một đàn có 8-12 cầu và giới thiệu chúa mới là ta đã có đàn mạnh mới.

• Tách từ 10 đàn thành 11 đàn.v.v… nghĩa là trại ong có từ 50-100 đàn ong mạnh thì sẽ có thêm 5-10 đàn ong mới có đủ sức để khai thác.

3. Nhập để chuẩn bị khai thác sản phẩm

Mục đích là tạo nhanh cho đàn ong có tổng số đàn mạnh trong thời gian ngắn để đủ sức khai thác sản phẩm cao. Tiết kiệm được phương tiện vận chuyển và giảm bớt công chăm sóc quản lý.

Phương pháp nhập và thời gian chuẩn bị còn tùy thuộc vào thế đàn của toàn trại ong và thời điểm của nguồn hoa nở. Thường thường, chọn đàn để nhập với nhau và tiến hành trước khi nguồn hoa nở từ 15-20 ngày.

Nếu nhập sớm quá sẽ không tận dụng được sức đẻ trứng của hai chúa, nếu muộn quá thì đàn ong chưa kịp ổn định đã phải đi khai thác.

Kinh nghiệm nuôi ong ở các nước tiên tiến cho thấy, muốn khai thác sản phẩm cao thì phải lên thùng kế và trong thực tế ở nước ta việc nuôi ong lên thùng kế để khai thác, bước đầu cũng có nhiều kết quả tốt.

Trước hết, tạo khung mẫu cho các thùng kế đúng theo kiểu cách của thùng dự trữ quân ong thợ và cầu dự trữ mật ong. Còn thùng đáy và những cầu đẻ của chúa phải có chất lượng tốt. Giữa thùng kế và thùng đáy phải có lưới ngăn chúa để khống chế chúa đẻ tập trung. Vấn đề ở đây là, chúa phải có sức đẻ mạnh và tốt nhất.

Sau khi chuẩn bị tốt, bước đầu là tiến hành nhập hai đàn vào một, rút bớt cầu ấu trùng và trứng chỉ để lại thùng đáy có 2/3 cầu nhộng, sắp nở một cầu trứng, còn lại là cầu không để cho chúa đẻ và một cầu dự trữ thức ăn. Bước hai là, từ thế đàn được chuẩn bị tốt đó, đàn ong sẽ tăng nhanh mới đủ sức lên kế 2, kế 3..v.v…

Lên thùng kế để khai thác là việc cần làm, nhưng khi tiến hành cần chú ý muốn tránh cho trại ong khỏi giảm về số lượng và chất lượng, không nên nhập nhiều đàn lại với nhau bừa bãi để cho có một thùng ong nhiều thùng kế.

Cầu của thùng kế: Nếu dùng cầu đẻ thì không lên được nhiều tầng và giả sử có lên được thì thao tác chăm sóc sẽ khó khăn. Vấn đề cần chú ý nữa là thùng kế không được cho chúa lên đẻ tràn lan, bừa bãi.

Trong quá trình hình thành thực tế của một trại ong, bao giờ đến vụ khai thác sản phẩm cũng còn một số đàn ong yếu, cá biệt hoặc thậm chí cả trại ong thế đàn cũng chỉ ở mức trung bình. Tình trạng này, nếu là ong nội địa thì không phải nhập mà trong quá trình khai thác đàn ong sẽ lên nhanh, còn đối với ong ngoại thì hiệu quả kinh tế không thể cao mà thận chí cả trại ong có thể bị hủy diệt do khai thác.

Khi bước vào đầu vụ nhất thiết phải nhập một số đàn ong để đạt các mục đích sau:

• Có nhập thì cả trại mới có nhiều đàn ong mạnh để khai thác.
• nhập để xử lý các đàn cá thể mà trong tương lai nó không còn đủ sức để phát triển nữa.
• Nhập để cho trại ong gọn nhẹ khi di chuyển.
• Trong thực tế, việc nhập nhằm mục đích tạo các thế đàn mạnh đồng đều, do đó mà ngoài điều chỉnh mức độ ong thợ còn phải quan tâm điều chỉnh các khung cầu cho thế đàn về sau có đủ điều kiện để phát triển như nhau.

Tóm lại: Trong cả 3 phương pháp nhập ong trên đây cho cả 2 giống ong, thì giống ong nội địa hơi phức tạp hơn giống ong ngoại. Do đó mà thao tác kỹ thuật đối với ong nội địa phải hết sức nghiêm khắc thì mới đạt kết quả cao.

Khi áp dụng các phương pháp trên, cần phải lưu ý:

Theo dõi chúa cho đến khi an toàn, chúa đẻ bình thường.

Việc bảo quản và giữ chúa thừa cho tốt (nếu chúa còn chất lượng)

Thời gian nhập phải khẩn trương và chu đáo. Mọi thao tác nhập đều tiến hành về tối, riêng ong Ý có trường hợp nhập ban ngày cũng được.

Đàn ong di chuyển trong phạm vi của trại mà hơi xa vị trí với nhau thì phải đóng cửa từ 1-3 ngày.

Phương pháp đồng hóa mùi cần phải làm chu đáo, hạn chế tối đa ong thợ cắn nhau.

V. Kết bài

Trên đây là các bước xử lý đàn ong bị mất chúa và các phương pháp nhập một đàn ong vào nhau. Hy vọng những chia sẽ trên đây của Mật Ong Golden Bee có thể giúp ích cho bạn đọc khi chúa bị mất, chuẩn bị trước khi khai thác mật và tăng giá trị kinh tế cho đàn ong. Một lần nữa, cảm ơn bạn đọc và hẹn gặp bạn ở bài viết sau. Tìm nguồn hoa để khai thác mật ong.

======

Bài viết được biên soạn bởi Mật Ong Golden Bee https://goldenbee.com.vn/

Tất cả về Mật Ong https://goldenbee.com.vn/mat-ong

Thông tin về Ong Mật https://goldenbee.com.vn/ong-mat

Sản phẩm Mật Ong Nguyên Chất Golden Bee https://goldenbee.com.vn/san-pham/mat-ong-nguyen-chat-golden-bee

Mật Ong Nguyên Chất Golden Bee

100,000500,000

Mật ong nguyên chất Golden Bee, khai thác tại Tây Nguyên.

Đóng chai theo quy trình khép kín, bảo đảm VSANTP.

Đã hạ thủy phần trong nước dưới 20%.

Đọc tiếp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo