tổng quan về kỹ thuật nuôi ong mật tại nhà
Một trong những cách bảo vệ hệ sinh thái của hành tinh chúng ta đơn giản nhất – đó là sử dụng kỹ thuật nuôi ong mật tại nhà và chăm sóc những con ong mật.
Trở thành người nuôi ong mật tại địa phương, dù ở thành thị, ngoại ô hay vùng nông thôn đều là một phần quan trọng không thể thiếu trong một lối sống bền vững và hòa mình với thiên nhiên.
Ong mật có lợi ích với cả con người và tự nhiên, một trong số những giá trị của con ong mật đó là góp phần làm tăng năng suất cây trồng, cây lương thực, làm tăng sản lượng rau và trái cây cho người làm vườn thông qua việc thụ phấn.
Qua Kỹ Thuật Nuôi Ong Mật Tại Nhà, anh chị có thể thu hoạch mật ong cho gia đình sử dụng và làm quà tặng cho bạn bè của mình. Anh chị có thể tự làm nến thơm bằng sáp ong tự nhiên và bán chúng. Chúng cháy sạch và tinh khiết. Không thải khí độc hại ra môi trường và rất đẹp mắt.
Mật ong, sữa ong chúa và sáp ong còn có thể sử dụng làm sà phòng, son dưỡng môi và mặt nạ chăm sóc da. Từ đó có thể tiết kiệm tiền sinh hoạt bằng việc sử dụng sản phẩm từ thiên nhiên do chính mình làm ra thay vì phải đi mua chúng. Và hơn thế nữa là bán chúng cho những người trong địa phương.
Nuôi ong mật dù ở đâu cũng góp phần bảo đảm an ninh lương thực và hệ sinh thái phong phú, hướng tới nỗ lực bảo tồn loài ong. Nuôi ong mật tại nhà có thể khai thác sản phẩm của con ong cho gia đình sử dụng và bảo vệ loài ong khỏi nguy cơ suy thoái nghiêm trọng trong khu vực của mình.
Ong mật có thể kiếm ăn trong bán kính 5 dặm (8 km), thông qua đó chúng giúp những khu vườn của anh chị và cả hàng xóm tăng năng suất hơn, chống lại nạn đói, vì sự thụ phấn cho nhiều cây lương thực hiện tại đều nhờ sự giúp đỡ của loài ong.
Hiện nay có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc suy thoái của tổ ong mật, trong đó có việc sử dụng thuốc trừ sâu, điều này rất dễ gây nên chứng Rối loạn sụp đổ bầy đàn (CCD). Bằng cách sử dụng phương pháp nuôi ong mật bền vững, chúng ta góp phần rất lớn trong việc bảo vệ loài ong và nhân giống chúng trong tự nhiên.
Cung cấp cho ong mật một tổ ong bằng gỗ kiên cố, anh chị đang làm rất nhiều điều tốt cho loài thụ phấn chính này. Hãy trồng hoa và cây trái xung quanh tổ ong, tạo một môi trường thân thiện giúp đỡ rất nhiều cho con ong. Từ đó có một vườn hoa đẹp và có một môi trường sinh thái tốt cho con ong mật và cả gia đình mình.
Nuôi Ong là một niềm vui vô cùng thú vị nhưng cũng nguy hiểm nếu bị con ong đốt. Học hỏi và quan sát những con ong có thể là một cách giúp giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống. Bên cạnh đó còn thu được nguồn mật ong quý giá cho gia đình sử dụng.
Ong mật là những người thầy tuyệt vời. Chúng cho ta thấy được giá trị của lao động và giúp bản thân mình hòa nhập vào nhịp điệu của thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, quan trọng nhất, bản thân chúng ta hài lòng khi biết được ngoài việc nuôi ong như một phong cách sống bền vững và cảm thấy hạnh phúc, chúng ta còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Giúp những sinh vật nhỏ bé này tồn tại và phát triển cho những thế hệ tiếp theo.
ai có thể nuôi ong mật !
Bất cứ ai đều có thể nuôi ong
Anh chị thường thấy là đa số thường những người nuôi ong là đàn ông. Nhưng thực tế trên thế giới, phụ nữ có thể nuôi ong và làm rất tốt việc này. Vì họ chỉn chu và rất tỉ mỉ, và thao tác của họ rất nhẹ nhàng với tổ ong. Điều đó khiến tổ ong ít bị xáo trộn hơn và con ong sẽ dễ chịu hơn khi chúng ta quấy rầy tổ ong.
(https://www.youtube.com/shorts/nMjsgHMQfXY)
Vì thế, không phân biệt giới tính, bất cứ ai cũng có thể nuôi ong được. Và nuôi ong không nhất thiết phải là ở vùng quê, người thành phố cũng có thể nuôi ong được, nuôi trên sân thượng, nuôi ở ban công chung cư, vì con ong mật đi làm rất xa. Chúng có thể kiếm mật hoa ở bán kính trên 5km về làm mật.
Nếu anh chị tìm hiểu, có thể biết được rằng ở New York của Mỹ hay London của Anh có những hội nuôi ong mật ngay tại thành phố họ sống. điều này thật sự rất thú vị với nhiều người đam mê nuôi ong.
(https://www.bees.nyc/) (https://www.facebook.com/NYCBeekeepers/)
Và điều cuối cùng là nuôi ong là hoạt động giải trí lý tưởng cho những người nông dân làm vườn hoặc ngay cả người lao động tri thức.
Khi nhận ra giá trị của con ong mật trong tự nhiên, không những chúng giúp thụ phấn cho cây trồng mà họ đang canh tác mà còn giúp hệ sinh thái tự nhiên ở nơi họ sống đa dạng và phong phú hơn nhờ thụ phấn chéo cho cây trồng.
80% thực vật thụ phấn được là nhờ vào con ong, loài thụ phấn chính trên trái đất và không chỉ con người hưởng lợi từ sản phẩm con ong mà cả hệ sinh thái, thực vật và hành tinh này đều được hưởng lợi nếu có thêm một đàn ong mật tồn tại.
Về cơ bản, nuôi ong là dành cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, có một vấn đề ngăn cản anh chị nuôi ong, đó là dị ứng. Nuôi ong thì chắc chắn sẽ bị ong đốt, nếu bất cứ ai bị dị ứng với nọc ong thì chắc chắn là không thể nuôi được.
Nọc ong rất tốt cho sức khỏe, chúng làm máu lưu thông tốt hơn, có nhiều nghiên cứu sử dụng nọc ong để trị bệnh. Chúng không gây chết người, tuy nhiên chúng ta vẫn cần đồ bảo hộ khi bắt đầu nếu thực sự muốn nuôi ong lấy mật.
(https://bvnguyentriphuong.com.vn/duoc-lieu/noc-ong)
Chúng ta sẽ có được gì khi nuôi ong.
Như đã nói, ai cũng có thể bắt đầu nuôi ong lấy mật. Điều này mang lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng và cho cả hệ sinh thái, thảm thực vật tự nhiên.
Có nhiều thứ diễn ra trong thế giới tự nhiên mà mình có thể không biết được. Khi nuôi ong anh chị sẽ có một cái nhìn khác về thế giới, sẽ mang lại cho anh chị sự trân trọng tuyệt vời đối với thiên nhiên. Và trên thực tế, đó là một cánh cửa tuyệt vời để nhìn vào thế giới tự nhiên.
Vì vậy, khi anh chị trở thành người nuôi ong, anh chị sẽ bắt đầu thực sự trân trọng thiên nhiên và chú ý khi mọi thứ đang nở hoa, chú ý đến tất cả cây cỏ xung quanh anh chị và chú ý những gì diễn ra trong suốt các mùa khác nhau. Điều này khiến chúng ta thực sự được sống với thiên nhiên ngay giây phút hiện tại.
Và thứ quan trọng nhất là sức khỏe. việc làm giả mật ong rất nhiều, không ai muốn sử dụng mật ong giả cả. Và 3 tháng từ khi bắt đầu nuôi ong, anh chị sẽ có những giọt mật ong nguyên chất nhất cho gia đình mình. Cái chúng ta nhận được đầu tiên là mật ong nguyên chất, thứ hai là một khu vườn đẹp và nhiều hoa trái.
cơ hội và thách thức khi bắt đầu
Vậy có nên nuôi ong ? Hay nuôi ong có hại gì cho môi trường của chúng ta hay không?
Như các bạn cũng biết, hiện nay diện tích rừng đang ngày càng thu hẹp do sự phát triển của đô thị hóa. Các đàn ong ngoài tự nhiên cũng đang dần mất đi không gian sống.
Có một số loài cây thụ phấn được là nhờ ong bướm và gió. Ong mật đóng vai trò quan trọng trong quá trình thụ phấn cây trồng qua việc thu thập mật từ hoa và truyền phấn từ một cây tới cây khác, giúp thúc đẩy sự phát triển của cây trồng và tạo ra quả.
Nếu hệ sinh thái ong mật mà mất đi thì chắc chắn năng suất của hoa màu sẽ giảm đi, vì chúng không được thụ phấn tự nhiên.
Ong mật đóng vai trò quan trọng trong duy trì sự đa dạng sinh học và hỗ trợ cho việc sản xuất thực phẩm trên toàn cầu.
Vì thế, nếu chúng ta xây dựng và nuôi dưỡng một đàn ong trong vườn nhà của mình thì hoa trái, cây trồng sẽ được đàn ong thụ phấn tự nhiên và giúp hoa màu phát triển.
Ong mật sống rất khỏe. chúng là một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Chúng ta không cần phải can thiệp nhiều vào quá trình phát triển của đàn ong. Chỉ cần chăm chỉ và chỉnh chu một chút, chúng sẽ đem lại nhiều giá trị cho gia đình, cộng đồng và hệ sinh thái tự nhiên.
Với khí hậu và tài nguyên nông nghiệp dồi dào ở việt nam – tôi tin là nghề nuôi ong sẽ phát triển và không bị bỏ lại phía sau. Nếu Ba tôi có thể sống bằng nghề nuôi ong và nuôi sống gia đình tôi 20 năm qua. Tôi tin là tôi có thể tiếp tục chăm sóc đàn ong của gia đình trong những năm tiếp theo.
chi phí để bắt đầu nuôi ong tại nhà
Chi phí nuôi ong mật không cao, chỉ cần đầu tư một lần, tùy theo loại thùng bạn chọn mà dụng cụ đi kèm sẽ ít hoặc nhiều.
Tùy theo nhu cầu và điều kiện của bản thân, bạn có thể chi tiêu và mua sắm một số vật dụng khi nuôi ong, sau đây là những thứ cần thiết và gần như bắt buộc khi bắt đầu nuôi ong mật.
Dụng cụ nuôi ong mật:
- Thùng nuôi ong (bằng gỗ hoặc bằng nhựa)
- Cầu ong (bằng gỗ truyền thống hoặc bằng nhựa tự động lấy mật)
- Giống ong (Cerana hoặc Mellifera)
- Thùng khói
- Đồ bảo hộ
- Máy quay mật
- Dao cắt sáp
- Can đựng, lưới lọc, phễu rót mật
- Máng cho ong ăn
- Máng lấy và hứng phấn
Tất cả những món trên đều cần thiết và giá thành không cao, bạn có thể tìm mua ở bất cứ doanh nghiệp, cơ sở vật tư nuôi ong nào.
đôi chút về con ong mật trước khi bắt đầu
Trước khi bắt đầu tìm hiểu cách nuôi ong mật, chúng ta sẽ tìm hiểu một chút về con ong mật và liệt kê một số điểm về vai trò của ong mật để rõ hình dung trước khi bắt đầu.
Ong mật có từ 80 triệu năm trước, chủ yếu là sống hoang dã đơn lẻ, sau này chúng mới tiến hóa lên thành xã hội ong mật và có ngôn ngữ giao tiếp, cấp bậc và vai trò của từng việc trong một đàn ong.
Ong ở việt nam có rất nhiều loại, ong nội địa ở việt nam là loại ong nhỏ, tên khoa học là Apis Cerana. mình hay gọi là ong dú, ong khoái, ong ruồi…
Chúng là loài thụ phấn bậc thầy – khi chúng bay từ hoa này sang hoa khác để thu thập mật hoa và phấn hoa, chúng phát tán phấn hoa cho phép thực vật sinh sản. Điều này làm cho chúng trở nên quan trọng đối với nông nghiệp cũng như hệ sinh thái rộng lớn hơn.
Ong mật sản xuất mật ong, sáp ong, sữa ong chúa, keo ong và phấn ong được người nuôi ong thu hoạch. Mật ong đã được con người đánh giá cao trong hàng ngàn năm vừa là chất làm ngọt tự nhiên vừa có lợi cho sức khỏe.
Quá trình sản xuất mật ong bắt đầu khi ong hút phấn hoa từ các loài cây khác nhau. Ong dùng chân để lấy phấn hoa, sau đó đưa vào túi mật nằm trong miệng. Khi bay về tổ, ong truyền phấn hoa từ miệng con này đến con khác, giúp phấn hoa biến đổi thành mật nhờ các enzyme trong miệng của ong. Để tạo ra được khoảng nửa cân mật ong, ong trong tổ phải bay khoảng 88,000 km và thăm gần 2 triệu bông hoa.
Ong mật là loài côn trùng bay sống thành các tập hợp có tính xã hội, Trong tổ, có ong chúa, ong đực và ong thợ. Mỗi loại ong có nhiệm vụ riêng biệt, hoạt động như tổ chức xã hội bài bản, kỷ luật và liên kết các cá thể trong đàn chặt chẽ với nhau. Chúng được tìm thấy ở mọi châu lục ngoại trừ Nam Cực.
Có hơn 20.000 loài ong được biết đến, nhưng loài ong mật phương Tây được biết đến nhiều nhất. Ong mật sống trong các tổ ong gồm những chiếc lược sáp do ong thợ tạo ra.
Ong mật sở hữu những hành vi xã hội hấp dẫn, bao gồm cả giao tiếp phức tạp thông qua các “vũ điệu” hướng những con ong khác đến nguồn mật hoa. Cấu trúc thuộc địa có tổ chức cao của chúng có nét tương đồng với xã hội loài người.
chọn giống ong mật
Ở việt nam, nếu tính ong mật có thể nuôi và khai thác mật thì chúng ta thường sẽ lấy giống 2 loại ong chính – ong nội, tức ong nội địa, tên khoa học là Apis Cerana và ong ngoại, thường được gọi là ong Ý, tên khoa học là Apis Mellifera.
Nếu mà để nuôi ong thì các bạn có thể bắt một số giống ong Apis Cerana ngoài tự nhiên về và chăm sóc chúng cũng được, tuy nhiên thì ong tự nhiên rất khó nuôi và sản lượng mật cũng kém hơn so với ong ngoại.
Để nuôi ong cho gia đình thì các bạn nên tìm mua giống ong Apis Mellifera về chăm sóc và nuôi dưỡng sẽ cho năng suất và chất lượng mật tốt hơn.
Apis mellifera thường sẽ dễ thuần, có kích thước lớn hơn và khả năng thu thập mật từ nhiều loài hoa hơn so với Apis cerana.
Ong ngoại Apis Mellifera thích nghi tốt với môi trường nuôi gia đình và dễ quản lý hơn Apis cerana. Chúng thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu và có khả năng chịu đựng cao hơn đối với các tác nhân bên ngoài như sâu bệnh, khí hậu.
Ở việt nam chúng ta thì ngoài tự nhiên chỉ có ong nội địa, tức ong mật apis cerana.
Nếu các bạn muốn nuôi ong Ý thì sẽ phải xin giống người quen có trại nuôi ong mật hoặc phải mua từ những người nuôi ong chuyên nghiệp. như vậy thì đàn ong giống sẽ có nguồn gốc và gen tốt hơn.
Việc nuôi ong mật nội địa rất khó khăn, vì chúng khó thuần và con ong rất hung dữ. Nếu bạn muốn nuôi ong mật, hãy tham khảo kỹ thuật nuôi ong mật nội địa của chúng tôi.
Dù bạn lựa chọn bất cứ giống ong nào, bạn cùng sẽ phải tìm hiểu các phương pháp tạo chúa và quy trình tạo chúacũng như kỹ thuật tạo chúa cho giống ong của mình.
tổng quan một đàn ong mật
Ong mật là một loài côn trùng sống thành đàn thể. Tổ chức của đàn ong mật là một thể hữu cơ nhưng lại bao gồm nhiều cá thể.
Ong mật có nguồn gốc rất nhiều nơi trên thế giới, châu Á, châu Âu, châu Mĩ, Trung Đông và phần Tây bắc của châu Phi.
Loài ong mật đã được con người thuần hóa và nuôi từ hàng ngàn năm trước để khai thác mật ong và sáp ong, phục vụ nhu cầu đời sống của con người.
Sự thuần hóa và nuôi ong mật đã tạo ra nhiều dòng ong thuần chủng được tạo lập và phát triển dựa trên mục đích khác nhau, vùng địa lý, và các yếu tố khác. Nhưng mục đích chính đó là giúp con ong khỏe mạnh và khai thác được sản phẩm nhiều hơn.
Ong mật sống theo hình thức tổ chức xã hội, chủ yếu trong tổ ong có ong chúa. ong thợ và ong đực, nơi có một con ong chúa, hàng nghìn ong thợ và một số ong đực.
Ong thợ trong tổ thường được phân chia thành các lớp công việc khác nhau như ong thụ phấn cây trồng, ong lính bảo vệ tổ, và ong thợ chăm sóc ấu trùng, ong lấy mật, ong vệ sinh…
Dưới đây là chi tiết từng thành viên của một đàn ong mật:
ONG CHÚA
Một con ong chúa là mẹ của tất cả các con ong trong đàn. Đẻ tới 1.500 quả trứng mỗi ngày để liên tục mở rộng và thay thế quần thể ong thợ cũ.
Nhiệm vụ của ong chúa ngoài đẻ trứng còn sản xuất pheromone điều chỉnh hành vi và hoạt động của ong thợ trong tổ ong, giúp đàn ong ổn định và phát triển tốt hơn.
Một con ong chúa tơ sẽ có nhiệm vụ giao phối với 1 con ong đực và sẽ đẻ từ lúc giao phối đến lúc già và chết.
ONG THỢ
Những con ong cái không phát dục chiếm phần lớn quần thể, gọi là ong thợ. Các vai trò thay đổi khi chúng trưởng thành và già đi, chủ yếu là làm những công việc trong tổ như làm sạch tế bào, cho ấu trùng ăn, xây tổ, nhận mật hoa, nhiệm vụ bảo vệ, tìm kiếm phấn hoa và mật hoa, sản xuất sáp ong dùng để xây tổ ong…
ONG ĐỰC
Ong đực có vai trò duy nhất là giao phối với ong chúa còn trinh, chúng không có ngòi đốt như ong thợ và ong chúa và sinh tồn được là nhờ sự hỗ trợ bởi ong thợ cho đến khi chúng đi giao phối với ong chúa. Ong đực sẽ chết sau khi giao phối xong, nếu quá nhiều ong đực, chúng sẽ bị trục xuất khỏi đàn vào mùa đông do thiếu thức ăn dự trữ.
CÁCH CHÚNG LÀM VIỆC
Ong mật có một hệ sinh thái rất hoàn chỉnh. Chúng phân công công việc cho từng cá thể để duy trì sự phát triển của tổ ong.
Với những con ong thợ, ngay từ tuần thứ 2 trở đi, chúng đã được giao nhiệm vụ cho từng công việc trong tổ ong.
Có những nhiệm vụ chính quan trọng sau đây mà ong thợ sẽ đảm nhiệm trong một tổ ong. Bao gồm: nuôi ấu trùng, chăm sóc ong chúa, tiết sáp để xây tổ, tiết keo ong để trám tổ, lấy mật, lấy phấn, lấy nước, canh gác bảo vệ tổ, xây mũ chúa, phân chia đàn, điều tiết nhiệt độ và độ ẩm, tiêu diệt ong đực, chế biến mật và phấn….
Ngay khi con ong tơ được 4-5 ngày tuổi chính là lúc bắt đầu công việc của một con ong thợ và chúng chỉ sống được khoảng 50 ngày. Từ lúc sinh ra đến lúc chết, chúng sẽ luôn làm việc và khi đến lúc chết, chúng sẽ bay đi thật xa và chết đi.
HỆ SINH THÁI ONG MẬT
Hệ sinh thái ong mật rất phức tạp, chúng có ngôn ngữ giao tiếp riêng để biết được nguồn thức ăn ở đâu. Chúng có Pheromone để ong chúa có thể giao tiếp và quản lý đàn ong của mình.
Ong mật được rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu. chúng thật sự là một tổ chức xã hội chứ không đơn thuần chỉ là những con côn trùng.
Chúng ta sẽ mãi không hiểu vì sao chúng có thể hình thành thứ ngôn ngữ này trong bộ gen của mình ngay từ khi sinh ra hay là tự nhiên đã ban tặng cho chúng cách có thể giao tiếp với đồng loại.
lựa chọn tổ ong trước khi bắt đầu
Có 5 loại thùng nuôi ong mật chính, tùy vào nhu cầu cá nhân mà người nuôi ong sẽ sử dụng cho đúng mục đích của mình:
Thùng ong Warre
Thùng ong truyền thống một tầng. Ấu trùng và mật ong xây chung ô lăng.
Thùng ong Top Bar
Loại thùng ngang cố định, không có khung di chuyển.
Thùng ong Langstroth Hive
- Thùng ong 1 tầng truyền thống
- Thùng ong 1 kế
- Thùng 1 tầng 1 lửng
Thùng ong tự chảy mật Flow Hive
- Flow Hive 6 hoặc 7 cầu
Thùng nhựa Apimaye
- Apimaye 1 tầng
- Apimaye 1 tầng 1 kế
- Apimaye 1 tầng 2 kế
- Apimaye 1 tầng 1 lửng
( * Nhấp vào tên của từng loại thùng để nhận biết và lựa chọn trước khi bắt đầu.)
Cách làm thùng nuôi ong mật
Nếu muốn tự đóng cho mình một thùng nuôi ong, bạn có thể tìm hiểu và tham khảo bài viết về kích thước thùng nuôi ong mật để bắt đầu.
Nếu bạn không có thời gian đóng thùng ong, có thể tìm và tham khảo trên Internet các doanh nghiệp vật tư ong mật để tìm địa chỉ bán thùng nuôi ong mật.
Nuôi ong trong thùng gỗ
Quy trình nuôi ong mật trong thùng gỗ rất đơn giản, chỉ có các thao tác mở thùng, kiểm tra và đóng lại. Thùng gỗ giúp giảm nhiệt độ khi trời nắng, giúp tổ ong duy trì nhiệt độ tốt nhất.
Để đảm bảo thời gian sử dụng, hãy sơn một lớp bên ngoài để chống nước. Hạn chế tình trạng hư hỏng trong quá trình nuôi ong mật tại nhà.
chọn địa điểm nuôi ong cố định
Chọn một địa điểm nuôi ong ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và sản lượng mật ong sau này, vì thế chúng ta nên lưu ý những điều sau:
Vị trí cố định
Kỹ thuật nuôi ong mật tại nhà không thể di chuyển và thay đổi vị trí của tổ ong liên tục, chúng ta phải nhất quán vị trí của tổ ong trước khi ong bắt đầu đi kiếm mật.
Ong mật là côn trùng di chuyển và định vị hướng bay bằng mặt trời, vì thế chúng có thể bay rất xa để lấy mật và quay trở về đúng tổ của mình mà không lạc đường.
chính vì định vị bằng mặt trời, chúng sẽ theo phương hướng lúc đầu đi kiếm ăn để trở về, nếu bạn di chuyển tổ ong đi chổ khác, ong kiếm mật sẽ không thể trở về tổ và sẽ lang thang đến khi chết ngoài trời.
Vị trí đặt tổ
Nên đặt thùng nuôi ong dưới gốc cây hoặc có mái che, như vậy sẽ giảm ảnh hưởng của thời tiết lên tổ ong.
Với tổ ong dưới gốc cây, mưa gió sẽ ít ảnh hưởng đến tổ ong của mình, khi trời nắng cũng vậy, tán cây sẽ giảm nhiệt độ của tổ ong, giúp ong giảm bớt hoạt động điều hòa tổ, giúp đàn ong nghỉ ngơi và ổn định hơn.
Gần nguồn nước
Hãy đặt tổ gần một nguồn nước, có thể tự nhiên hoặc nhân tạo. Nguồn nước cho ong sinh hoạt phải đảm bảo sạch sẽ và không quá sâu để ong có thể lấy nước.
Cách tốt nhất là xây một bể nước cao 10 phân và rải đá cuội vào trong rồi đổ ngập lưng đá, ong sẽ bám đá lấy nước. Tránh tình trạng xây bể nước quá cao và không có chổ đứng, ong sẽ rớt xuống và chết đuối.
Lợi thế tự nhiên
Nếu bạn có vườn cây ăn trái thì quá tốt, ong sẽ kiếm ăn gần đó trong bán kính 8 km. Có thể là vườn cây của bạn hoặc của hàng xóm, chúng sẽ tự làm việc. Nguồn hoa gần tổ ong sẽ là lợi thế khi đàn ong sẽ di chuyển gần hơn và lấy được nhiều mật hoa so với một đàn ong cách xa điểm mật.
Lưu ý khi chọn tổ ong
Khác với nuôi ong thương mại, chúng ta phải di chuyển đàn ong đến nơi có mật hoa, nhưng vậy sản lượng mật ong mới cao và mật sẽ đồng nhất – đơn hoa.
Tuy nhiên nuôi ong lấy mật tại nhà chúng ta sẽ không cần di chuyển, và mục đích chính là lấy mật đa hoa xung quanh nhà, như vậy thì mật ong sẽ ngon hơn.
Khác với tổ ong tự nhiên, nơi đàn ong mật sẽ làm tổ trên cây hoặc hố đá, chúng ta sử dụng thùng nuôi ong bằng gỗ hoặc bằng nhựa để bảo quản mật ong tốt hơn, tránh côn trùng, vi khuẩn hay nước mưa chảy vào mật.
Lưu ý cách anh chị đặt thùng ong khi mới mua về.
1. Một thùng ong kế tiêu chuẩn sẽ có 6 – 8 cầu ong và 6- 7 cầu mật. Khi về đầu tiên anh chị làm là mở cửa tổ để ong di chuyển ra ngoài.
(Trước đây em có bán thùng ong giống cho 1 anh ở Komtum, khi mua về thì ảnh có việc phải đi, và để thùng ong ở đó như một món hàng mà quên mất bên trong là một đàn ong còn sống, kết quả là chúng chết hết. nếu phải vận chuyển đi xa, ong có thể ở trong tổ 1 ngày một đêm. Gia đình em thường di chuyển ong ra bắc để đánh mật, chỉ cần mở cửa sổ ra và chúng sẽ sống khi đến nơi. Tuy nhiên nếu để quá lâu, đàn ong không thể sinh hoạt tự nhiên và sẽ chết, chết ngạt, thiếu nước, kiệt sức do di chuyển…)
2. Thứ hai là vị trí đặt ong. thùng ong anh chị mua về để dưới bóng mát giúp em nhé, rồi lấy chân sắt kê thùng ong lên cao khoảng 40 phân là được, để tránh nước và côn trùng vào tổ ong.
(Thùng ong mà để cố định lâu dài thì không cần mở cửa sổ ra. Ong nó sẽ tự điều tiết nhiệt độ bên trong, nóng hay lạnh chúng đều làm được, tránh mở cửa sổ vì mưa chảy vào.)
chăm sóc và duy trì tổ ong
Dù bạn nuôi ong lấy mật ở hà nội hay nuôi ong lấy mật ở Thành phố Hồ Chí Minh, bạn cũng cần nắm rõ những kỹ thuật nuôi ong trước khi bắt đầu.
Mỗi trại ong sẽ có các phương pháp nuôi dưỡng ong mật và kinh nghiệm nhất định, nhưng chung quy lại cũng chỉ có những bước căn bản để quản lý đàn ong mật của mình.
Đầu tiên là kiểm tra đàn ong thường xuyên, sử dụng kỹ thuật nuôi ong mật tại nhà như chúng tôi đề cập bên trên, có như vậy chúng ta mới phát hiện và khắc phục những vấn đề nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến con ong trong quá trình nuôi ong.
Chăm sóc và quản lý đàn ong theo mùa vụ giúp chúng ta biết lúc nào thì nên chỉnh đốn thế đàn, nâng đàn, làm giống, cho ong ăn hay khai thác mật ong…vào mùa không lấy mật và mùa lấy mật.
Mục tiêu chính của chúng ta vẫn là thu hoạch được lọ mật ong đầu tiên và tối đa hóa sản lượng mật ong mà chúng ta có thể thu hoạch, theo bất cứ cách nào.
Chính vì thế nên chúng ta cần phải nắm rõ kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng đàn ong mật mạnh, chăm sóc tổ ong vào mùa dưỡng đàn, để khi đến mùa khai thác chúng ta mới có thể thu hoạch sản phẩm ong.
Và khi đã trở nên chuyên nghiệp, anh chị có thể nhân rộng đàn ong của mình lên 50 – 100 đàn và có thể bắt đầu thương hiệu mật ong của riêng mình.
Chỉ cần biết quy trình chăm sóc một vài đàn ong, anh chị có thể mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng và sản lượng của mật ong.
Các bước chăm sóc tổ ong và cách kiểm tra ong mật nuôi hàng ngày:
1. Kiểm tra thường xuyên xem ong chúa còn trong tổ không.
2. Sinh trưởng, phát dục và tuổi thọ của đàn ong mật bình thường không, có trứng, ấu trùng và nhộng trong ô lăng không.
3. Đàn ong có nguồn thức ăn dự trữ trong tổ không.
4. Có kí sinh lạ gây ảnh hưởng con ong hay không.
5. Có nguồn nước, nguồn mật gần tổ ong hay không.
6. Có côn trùng lạ cắn ong thợ hay không.
7. Ong thợ có làm việc bình thường hay không.
8. Thế đàn có phát triển mạnh cho mùa mật không.
Tất cả quan sát của bạn hằng tuần sẽ ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của mùa mật.
cho ong ăn vào mùa dưỡng
Cho ong mật ăn là công việc cần thiết cho những đàn ong trong mùa nuôi dưỡng, việc cho ong ăn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và sức mạnh của đàn ong sau này và nuôi ong mật cho ăn gì để đảm bảo sức khỏe của đàn ong.
Vậy cho ong ăn gì, và tại sao lại cho ong ăn ?
Trong quá trình nuôi ong mật, sẽ có những lúc nguồn hoa không đủ để duy trì và phát triển đàn ong, đó là lúc chúng ta cần cho ong ăn.
Ong mật ưa ngọt, chất ngọt đến từ đường Glucozo và Fructozo. Đây là hai loại đường chính có trong mật hoa, và đó là nguồn thức ăn chính của ong mật.
Trong mùa khai thác mật, chúng ta đã lấy hết mật ong của tổ ong mà con ong làm ra, chính vì thế nên đến mùa đông, khi nguồn hoa khan hiếm, ong mật sẽ không có nguồn thức ăn dự trữ dẫn đến việc thiếu thức ăn cho đàn ong.
Nuôi ong chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn nuôi dưỡng ong mật trong mùa Đông và giai đoạn khai thác mật ong trong mùa Xuân.
Để đàn ong có thể đủ quân số và chất lượng đàn khi lấy mật vào mùa Xuân, chúng ta sẽ cho ong ăn vào mùa Đông để chúng đẻ quân, như vậy vào mùa Xuân chúng sẽ đi kiếm mật đầy tổ, khi chúng ta lấy mật ong đi thì bắt buộc sẽ phải cho ăn thức ăn nhân tạo vào mùa Đông. Cứ theo vòng tuần hoàn này mà chăm sóc tổ ong.
Giải pháp:
- Không lấy hết nguồn mật dự trữ của tổ ong
- Không lấy hết nguồn phấn hoa mà ong mang về.
- Cho ong ăn mật hoa, si rô hoặc nước đường nếu phát hiện nguồn thức ăn cạn kiệt.
Các loại thức ăn nuôi dưỡng ong mật:
- Mật ong – có thể là mật hoa kém chất lượng như Mật Cao Su, Mật Tràm. Còn con người sẽ thu hoạch mật chất lượng cao như Mật Cà Phê, Mật Hoa Nhãn, Mật Hoa Vải, Mật Ong Bạc Hà để sử dụng cho gia đình.
- Si rô – có rất nhiều loại Si rô ngọt trên thị trường có thể sử dụng cho ong ăn để duy trì đàn ong. Chúng có đường và vitamin đủ để ong phát triển.
- Phấn hoa – Đàn ong không thể mạnh nếu không có phấn hoa, chúng ta chỉ nên khai thác 50% phấn hoa vào mùa Xuân, để lại 50% cho đàn ong vào mùa dưỡng. Nếu chúng ta khai thác hết phấn hoa, thì bắt buộc chúng ta cần phải cung cấp lại 1 lượng phấn hoa nhất định vào mùa Đông.
- Bột Vitamin – Có nhiều loại bột Vitamin có thể thay thế phấn hoa cho ong ăn, chúng rẻ và có đủ chất. Nếu bạn lấy hết phấn hoa, có thể thay thế bằng bột Vitamin để phát triển đàn ong.
Ong ăn đường là sẽ làm ra mật ong có đường ?
Cho ong ăn đường không thể làm ra mật ong có thành phần là đường, điều này là hoang đường.
Vào mùa cho ăn, chúng ta chỉ duy trì một lượng nước đường hoặc siro nhất định để đàn ong có thể tồn tại, các đường này chỉ có nhiệm vụ nuôi sống đàn ong. Khi mùa Xuân đến, chúng ta nhất định không cho ong ăn đường nữa.
Khi nguồn mật hoa ngoài tự nhiên dồi dào, và việc cắt nguồn thức ăn nhân tạo, chúng bắt buộc sẽ phải đi kiếm mật hoa để duy trì đàn, đó chính là mật ong mà chúng ta khai thác và sử dụng. Hoàn toàn không có đường hay siro trong mật ong thiên nhiên.
Kết luận:
Hãy theo dõi đàn ong, chăm sóc chúng qua mùa Đông, cắt thức ăn khi nguồn hoa dồi dào và chỉ khai thác 50 – 70% nguồn mật tự nhiên trong tổ. Đó là cách tốt nhất cho đàn ong của gia đình bạn.
hợp nhất - chia đàn cho ong mật
Khi quan sát tổ ong mật, chúng ta sẽ biết cần phải nhập đàn ong hay chia tách đàn ong của mình, dưới đây là một số cách nhận biết và can thiệp.
Khi nào hợp nhất đàn
Khi bạn nuôi trên 2 tổ trở lên và thế đàn quá yếu, chỉ 2 – 3 cầu ong trong một tổ mà số lượng ong thợ rất ít, làm mật kém, đó chính là lúc cần phải nhập đàn.
Nhập đàn là kỹ thuật trong quá trình nuôi ong mật giúp hợp nhất 2 – 3 đàn ong yếu lại thành một đàn ong mạnh, có như vậy đàn ong mới đủ sức xây kế và làm mật.
Kỹ thuật xử lý đàn ong bị mất chúa và phương pháp nhập một đàn ong lại sẽ giúp chúng ta dễ dàng quản lý và chăm sóc hơn.
Khi nào chia tách đàn
Khi đàn ong quá mạnh, số lượng ấu trùng, nhông ong và ong thợ tăng lên rõ rệt, hãy chia đàn ong ra thêm một tổ nữa, đây là kỹ thuật chia đàn, tăng số lượng đàn ong nhưng vẫn giữ nguyên thế đàn.
Nếu đàn ong quá đông mà bạn không can thiệp kỹ thuật, đàn ong sẽ chia đàn tự nhiên, tức sẽ bỏ tổ, lúc này chúng ta sẽ mất đi một lượng lớn quân thợ.
Dù bất cứ chuyện gì, bạn cũng bình tĩnh và quyết đoán. Những can thiệp sớm trong quá trình nuôi dưỡng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và kết quả của đàn ong trong mùa khai thác mật.
kiểm tra - quản lý đàn ong mật sau nhà
Trong quá trình nuôi ong, chắc chắn sẽ có những trường hợp khó lý giải khiến tổ ong sụt giảm bầy đàn hoặc tệ hơn là bỏ tổ ong và chết. Đó là những dấu hiệu cho thấy đàn ong đang gặp vấn đề. Dưới đây là phương pháp kiểm tra một đàn ong mật.
Mục địch kiểm tra:
1. Ong bỏ tổ.
2. Ong chết trước cửa tổ ong.
3. Cầu nhộng không có trứng hoặc ấu trùng.
4. Tình hình sức đẻ của con ong chúa, chúa đã mất hay vẫn còn trong tổ.
5. Nắm các giai đoạn sinh trưởng phát dục của nội bộ từng đàn hoặc cả trại.
6. Nắm mức sung túc của ong thợ và sự phát sinh của ong đực.
7. Nắm tình hình dự trữ thức ăn trong tổ (mật và phấn).
8. Nắm chắc tình hình sâu bệnh và dịch hại cũng như thiên tai đối với đàn ong và trại ong.
Dù gặp bất cứ tình huống nào, hãy lập tức điều chỉnh và khắc phục. Chẳng hạn như:
- Xử lý đàn ong mất chúa lâu ngày
- Xử lý bệnh trong đàn ong
- Xử lý đàn ong bốc bay
- Xử lý đàn ong chúa già
chia sẻ kỹ thuật nuôi ong lấy mật
Nếu để quá lâu sẽ khó có thể kiểm soát và xảy ra những tình huống không mong muốn trong quá trình nuôi ong. Hãy kiểm tra đàn ong thường xuyên, từ đó mới có thể nắm được biến động của đàn ong và cách đối phó.
sản phẩm từ ong mật
Có 6 loại sản phẩm chính của con ong mật, các bạn có thể tổ chức khai thác sản phẩm từ con ong mật khi nhận thấy nguồn sản phẩm dồi dào trong tổ ong.
- Mật ong nguyên chất
- Phấn hoa
- Sáp ong
- Keo ong
- Sữa ong chúa
- Nọc ong
Quy trình lấy mật ong nuôi hay các sản phẩm ong không khó, bạn sẽ cần những vật tư chuyên dụng trong việc nuôi ong để có thể khai thác chúng.
Tất cả những sản phẩm ở trên đều chứa nhiều chất dinh dưỡng và có thể sử dụng cho cả động vật và con người. Chúng chứa nhiều chất đặc biệt không thể chế biến nhân tạo và có giá trị rất cao, sử dụng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe theo hướng tích cực. Một số phương pháp kết hợp có thể coi như thần dược tự thiên nhiên cho sức khỏe con người.
Dưới đây là các bài viết chi tiết về giá trị của sản phẩm ong:
- Giá trị của Sữa Ong Chúa
- Giá trị của Phấn hoa
- Giá trị của Mật Ong
- Giá trị của Keo Ong
- Giá trị của Sáp Ong
- Giá trị của Nọc Ong
Bạn có thể xem tất cả phương pháp kết hợp và sử dụng sản phẩm con ong mật ở Blogs của chúng tôi.
Sử dụng như bài thuốc y học cổ truyền – https://goldenbee.com.vn/600-bai-thuoc-tu-ong-mat
Sử dụng để bồi bổ cơ thể – https://goldenbee.com.vn/cong-dung-mat-ong
Mẹo và cách sử dụng – https://goldenbee.com.vn/meo-vat-voi-mat-ong
Chế biến ẩm thực – https://goldenbee.com.vn/mon-ngon-tu-mat-ong
Tuy nhiên, kỹ thuật nuôi ong mật tại nhà về lợi ích là cho vườn cây trái của mình nhiều hơn so với việc thu hoạch sản phẩm ong.
Bạn biết rằng cây trái có năng suất hay không là nhờ việc thụ phấn, và ong mật là loài thụ phấn chính trên trái đất này. Thuốc bảo vệ thực vật hay diệt sâu bệnh chỉ là để giảm tổn thất, tức là ít sâu bệnh phá hoại, chứ không phải để tăng sản lượng thu hoạch.
Nếu nuôi một đàn ong mạnh 8 cầu, thì sau mùa mật có thể khai thác hơn 20 lít mật, đủ để gia đình mình sử dụng trong quanh năm mà không cần phải mua bên ngoài.
khai thác sản phẩm ong
Khai thác sản phẩm ong mật không quá khó và cầu kì, chỉ cần 1 buổi sáng cũng có thể thu hoạch hết sản phẩm con ong, tuy nhiên cần có kinh nghiệm. Một người nuôi ong có thể thu hoạch được 20 lít mật ong một mùa mật. Hãy tham khảo các bước khai thác sản phẩm ong mật ở video của Golden Bee.
- Khai thác Mật Ong
- Khai thác Phấn Hoa
- Khai thác Sữa Ong Chúa
- Khai thác Sáp Ong
- Khai thác Keo Ong
Có rất nhiều cách để chế biến và sử dụng, hãy tham khảo hoặc hỏi ý kiến Bác sĩ khi bắt đầu sử dụng cho cơ thể nhé, phòng trừ trường hợp dị ứng gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của bạn.
kinh nghiệm nuôi ong mật tại nhà
Tổng quan về nuôi ong mật không khó, chúng ta chỉ cần kiên nhẫn và quan sát tổ ong, can thiệp nếu thấy bất lợi của đàn ong và thu hoạch sản phẩm khi tổ ong đã đầy.
Bạn chăm sóc một đàn ong không quá mất thời gian, nhưng những giá trị mà con ong mật mang lại là vô cùng lớn.
Nhiều người nói chúng tôi giỏi khi có thể khai thác mật ong, phấn hoa…Nhưng thực ra không phải, chúng tôi không làm gì cả, tất cả mọi việc đều do đàn ong quán xuyến.
Nếu bạn nắm rõ cách nuôi ong lấy mật, bạn hoàn toàn có thể sử dụng mô hình nuôi ong lấy mật để làm giàu. Rất nhiều người nông dân đã phát triển kinh tế gia đình nhờ việc khởi nghiệp làm giàu từ nuôi ong lấy mật tại Việt Nam.
Tình hình nuôi ong mật ở Việt Nam hiện nay rất khó khăn, vì sản phẩm mật ong của chúng ta rất khó xuất khẩu đi các nước khác. Nặng nhất là đợt tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế chống bán phá giá năm 2021 lên mặt hàng mật ong khiến sản lượng mật ong xuất khẩu giảm đi rất lớn và nhiều hộ nuôi ong mật trở nên khó khăn và phải xoay sở tồn tại khi muốn tiếp tục theo nghề.
Nếu bạn có công việc ổn định để trang trải cuộc sống và muốn nuôi ong như một niềm vui cho bản thân, hãy bắt đầu hành trình của mình.
Nếu có một khu vườn nhỏ sau nhà, bạn có thế bắt đầu nuôi ong lấy mật, chúng rất dễ chăm sóc, tự sinh sôi phát triển và đi làm mật cho chúng ta.
Tuy nhiên trước khi nuôi ong mật tại nhà, bạn phải có một lượng kiến thức nhất định về con ong để có thể quan sát và kiểm soát đàn ong khi đàn ong có biến động.
Tôi xin kiệt kê một số sách kỹ thuật nuôi ong mật nếu bạn có thời gian và muốn đọc thử để tìm hiểu, có thể nó sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình nuôi ong tại nhà:
- [fahasa.com/ky-thuat-nuoi-ong-lay-mat]
- [fahasa.com/phong-va-tri-benh-cho-ong-mat]
- [fahasa.com/nuoi-ong-mat-bon-mua-hieu-qua]
Bên cạnh đó, tôi đang xây dựng một chuỗi video kỹ thuật nuôi ong lấy mật trong quá trình nuôi ong mật tại nhà của tôi. Bạn có thể xem cho vui.
💡 LƯU Ý KHI CHỌN GIỐNG ONG MẬT
Với người mới bắt đầu, bạn nên chọn giống ong nội địa để nuôi. Vì chúng là loài hoang dã, dễ nuôi và lấy mật. đặc biệt là ít bệnh tật và dễ chăm sóc. Khi bạn đã đủ kinh nghiệm, có thể chuyển sang nuôi quy mô hoặc chọn giống ong có năng suất cao hơn!
💡 TÔI NÊN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU ?
Tìm kiếm các tổ ong hoang dã gần khu vực bạn sống và bắt đầu với chúng, hoặc bạn có thể xin chia đàn từ 1 người quen của mình. Bạn có thể tìm hiểu về cách bắt ong hoang dã hoặc cách chia đàn ong từ Blogs của Golden Bee.
Nuôi ong bao lâu lấy mật ? Với một thùng ong kế 8 cầu quân và 7 cầu mật, thế đàn ong mạnh, quân thợ sung túc, nguồn mật ngoài tự nhiên nhiều, trong 3 tháng từ mùa dưỡng ong cho đến mùa lấy mật vào đầu tháng 3 thì sẽ bắt đầu khai thác mật cho đến cuối tháng 8 mùa Thu.
Mỗi ngày 5 phút, và bạn sẽ có mật ong cho gia đình và bạn bè sử dụng mà không cần phải đi mua ngoài.
Để lại thắc mắc ở phần bình luận hoặc gửi tin nhắn cho chúng tôi nếu bạn gặp phải vấn đề chưa thể giải quyết, chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ bạn.
Bài viết về Kỹ Thuật Nuôi Ong Mật Tại Nhà sẽ dừng tại đây, chúng tôi sẽ bổ sung thêm nếu có vấn đề nào chưa được đăng tải trong tương lai. Hẹn gặp lại bạn ở bài viết sau. Chúc bạn sức khỏe và thành công !
Trần Nhật Trường