Bệnh thối ấu trùng ở ong mật là một loại bệnh có tính chất đặc thù đối với con ong ở vùng nhiệt đới, đặc biệt là ở nước ta. Dưới đây là chia sẻ của Golden Bee.
I. Nguyên nhân và nguồn gốc phát bệnh
Nếu chỉ căn cứ vào một đặc điểm của bệnh thối ấu trùng châu Mỹ hoặc châu Âu đã chỉ dẫn thì bệnh thối ấu trùng ở nước ta hay gặp ở đàn ong nhập ngoại Apis Mellifica có nhiều điểm khác nhau hoàn toàn, kể cả tính lưu hành bênh học, bệnh lý học và truyền nhiễm học.
Chưa có tài liệu nào xác minh một cách chắc chắn do chủng loại vi khuẩn nào hoặc do loại virus nào gây ra thuần túy. Bệnh phát sinh ra cho tất cả đàn ong, các trại ong đều mang nhiều yếu tố có tính chất địa lý theo từng địa phương như: Thời tiết nắng lạnh thay đổi đột ngột, thức ăn quá xấu (cho ăn đường chảy, đường tán) hoặc do độc dược…trong khi đó có một số vi khuẩn khác gây bệnh và lây lan cho nhau.
II. Mức độ lưu hành bệnh
Có khi bệnh xuất hiện lẻ tẻ ở một vài đàn cá biệt hoặc chỉ một số cầu rải rác ở các đàn, có khi cả đàn bị bệnh rất nặng, thậm chí hầu hết cả trại bị cảm nhiễm. Có trường hợp ở cùng một địa bàn có nhiều trại bị cảm nhiễm nhưng cũng có nhiều trại lại an toàn.
Thường thường bệnh bộc phát do lạnh hoặc độc dược, trong thời gian ngắn lại hết, nếu chế độ nuôi dưỡng và chăm sóc tốt. Có trường hợp bệnh cứ dai dẳng kéo dài đến 30-40 ngày và gây ra nhiều thiệt hại khá nghiêm trọng về thuốc men, công sức để chăm sóc, dẫn đến hàng loạt đàn ong bị mất giai đoạn và giảm sút. Tuy nhiên bệnh hoàn toàn không mang tính lưu hành, mà có tính chất mùa vụ hoặc khi có các yếu tố trên gây ra. Dùng các biện pháp thích ứng để cải thiện môi trường và thức ăn, dùng kháng sinh nhẹ và cải tiến chế độ chăm sóc là có thể khắc phục bệnh rất nhanh.
III. Bệnh tích
1. Thối ấu trùng ở dạng khô:
Trường hợp này, ấu trùng do nhiễm độc dược hoặc thức ăn xấu, lạnh hoặc nóng quá mà chết đi, nhưng không có bệnh ghép của vi khuẩn nào. Ấu trùng không bị thối rữa mà bị khô, teo lại và có mốc trắng bao phủ (ít hay nhiều tùy theo thời gian phát hiện). Thối ấu trùng ở dạng này chiếm 10-15% so với dạng ướt.
2. Thối ấu trùng ở dạng ướt:
Sau khi ấu trùng và nhộng chết do bị nóng hoặc do thiếu thức ăn hay do độc dược, các loại vi khuẩn khác có cơ hội xâm nhập vào làm cho ấu trùng bị thối rữa, nhiều con có thể bị mọng nước, có nhiều chấm đen rồi chuyển sang màu xám hoặc đen sậm.
Thối ở dạng ướt, khi mở nắp thùng ong ra đã ngửi thấy mùi chua khó chịu, nhiều cầu ong không trám nắp, dùng kẹp gắp ra không được, nhưng không có sợi nhựa kéo dài mà thành một chất như bùn đen và thối chua. Trong đàn ấu trùng bị thối có thể từ 1-2 cầu, đến 100%. Có đàn 1-2 cầ bị lỗ chổ, số ấu trùng và nhộng còn lại vẫn phát triển bình thường như những đàn ong không có bệnh.
Thông thường, cả ong Apis Indica lẫn Apis Mellifica vẫn sinh hoạt bình thường, các ấu trùng còn lại vẫn chuyển hóa hoàn toàn để trưởng thành. Nhưng cũng có nhiều trường hợp đàn ong bỏ tổ bốc bay hoặc tàn lụi dần (đặc biệt là ong nội Apis Indica và Apis Cerrena).
IV. Mùa vụ phát bệnh
1. Ong nội địa: có hai thời kỳ:
a, Thời nhẹ nhàng: Vào tháng 8 tháng 9 hằng năm, tuổi ấu trùng dễ mắc là từ 3-4 ngày tuổi.
b, Thời kỳ nặng: Vào tháng 9 tháng 10 hằng năm, tuổi ấu trùng dễ mắc bệnh là từ 4-6 ngày tuổi. Loại khô cứng thì ở 6 ngày tuổi trở đi.
2. Ong nhập ngoại Apis Mellifica:
a, Ở vùng trà Bảo Lộc thời kỳ mắc thông thường từ tháng 10 năm trước tới tháng 1 năm sau, tháng 12 nặng nhất (do lạnh). Những ngày tháng bị mưa kéo dài, độ ẩm cao, ong không bài tiết được hoặc bị trúng thuốc trừ sâu thì gần như 70-80% đàn ong bị nặng. Còn những tháng khác bệnh có tính chất rải rác. Khi nắng kéo dài, khô, hanh, bông trà bị thiếu nước, nếu cho ong ăn đường xấu hoặc đường đặc thì ong cũng bị thối ấu trùng (bông trà có nhiều tanin).
b, Ở vùng Xuân Lộc, Đồng Nai:
Bệnh có tính chất lác đác hơn ở Bảo Lộc (chỉ trừ những đợt trừ sâu).
c, Ở một số vùng khác: Bệnh thối ấu trùng cũng có phát sinh nhưng không trầm trọng, nếu có bị nhiễm độc thì ong già lại chết nhiều hơn bệnh thối ấu trùng.
Thối ấu trùng ở dạng khô, ong từ 8 ngày tuổi trở đi mới bị mắc bệnh.
V. Nguyên nhân gây ra bệnh
Bệnh thối ấu trùng tuy không phải là bệnh truyền nhiễm, nhưng tạo cơ hội xâm nhập của các loại cầu trùng, trực trùng, các loại vi khuẩn khác hoặc các virus gây ra khi đàn ong có các ấu trùng và nhộng chết do thức ăn hoặc độc dược.
1. Do độc dược:
Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra thiệt hại cho đàn ong, qua theo dõi cho thấy, vùng nào dùng thuốc trừ sâu nhiều thì đàn ong ở đó bị thối ấu trùng nhiều nhất.
2. Do thức ăn:
Ong ăn các loại phấn hoa có nhiều chất tanin (bông trà) và kết hợp cho ăn xiro đặc hay đường quá xấu thì ong cũng bị thối ấu trùng và nhộng trần.
3. Do thời tiết:
Lạnh quá, nóng quá, mưa bão kéo dài làm cho ong không bài tiết được; nắng hạn làm cho các chất chua chát ở hoa không được gột rửa, cho ong ăn vào dễ bị bệnh.
4. Vi khuẩn:
Vi khuẩn bao giờ cũng ẩn náu trong đàn ong hoặc do con ong giao du từ nơi khác mang về tổ, khi mọi tác nhân trên gây ra( đặc biệt là bệnh chí xâm nhập) tạo cơ hội gây bệnh thối ấu trùng cho bản thân đàn ong ấy hoặc sự lây lan qua lại cho đàn ong lân cận cũng bị cảm nhiễm theo.
VI. Các phương pháp phòng và trị
1. Phương pháp chủ động
Thiệt hại do bệnh thối ấu trùng gây ra cho cả hai loại ong khá nghiêm trọng cho các trại ong hằng năm, vì chúng ta thiếu chủ động thực hiện một số phương pháp phòng ngừa theo từng mùa vụ ở từng vùng khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp thông thường đã dùng có hiệu quả.
a, Dùng thuốc để phun:
Cứ mỗi tuần ta dùng Penicilin + streptomixin bình quân 10 ngàn đơn vị pha với 100ml nước nguội để phun trực tiếp cho một đàn (2 lần cho một tuần)
b, Dùng thuốc pha trộn với thức ăn:
Cứ mỗi tuần ta dùng tetraxiolin + Sunfatiazin 0,5-1g trộn vào đường. cho một đàn ăn 2 lần trong 1 tuần.
c, Đề phòng trúng độc:
Phải liên hệ với địa phương để nắm được lịch phun thuốc trừ sâu. Nếu phun ở diện nhỏ rải rác thì thả ong đi làm việc muộn, nếu ở diện rộng hơn thì cho ong ăn đầy đủ và đóng cửa thùng lại. Nếu vùng có tập quán phun dài hạn, ta nên chuyển vùng để đảm bảo an toàn cho đàn ong.
d, Chống nóng và chống lạnh: để hạn chế phát sinh bệnh.
e, Cho ong ăn
Đường tốt, đảm bảo vệ sinh dụng cụ pha đường cũng như máng ăn và chất nổi trong máng.
g, Cách ly tốt những đàn có bệnh, không để cho chúng phát sinh. Đàn nào có mầm mống thối ấu trùng, phải khẩn trương tìm ra nguyên nhân và trị cho chấm dứt.
2. Các phương pháp trị:
a, Chủ động và tích cực gắp hết các ấu trùng thối và dùng bông tẩm cồn lau cho sạch các ô lăng đó, đồng thời cách ly ngay để trị.
b, Thay đổi chế độ ăn:
Cho ong ăn đường thật tốt, nước cho ăn phải nấu sôi và pha loãng 1/3 – 1/4 (đường / nước)
c, Dùng thuốc để trị:
Kháng sinh mạnh cho mỗi đàn từ 8-12 lần:
• Penicilin: 15.000 đơn vị.
• Streptomixin: 20.000 đơn vị.
Dùng hỗn hợp hai loại và dùng 60% trộn vào siro đường cho ong ăn, còn lại 40% pha 200 – 300ml nước phun trực tiếp vào khung cầu ong.
Thời gian dùng liên tục khi nào ấu trùng chuyển giai đoạn tốt thì ngừng.
Kháng sinh thường cho mỗi đàn 8 -12 lần:
• Tetraxiclin: 0,1g
• Sunfatiazon: 1,5g
Trộn vào siro đường cho ong ăn hàng ngày đến khi các ấu trùng chuyển giai đoạn tốt mới ngừng.
Chú ý:
Phòng trị thối ấu trùng tốt sẽ ngăn ngừa được bệnh nhộng trần.
Tuy không phải là một bệnh dịch có tính chất lưu hành mạnh, nhưng công tác chăm sóc nuôi dưỡng phải được tăng cường, vệ sinh dụng cụ, cách ly đàn, chế độ kiểm dịch phải nghiêm túc thực hiện.
Cần phải kiểm tra theo dõi để phân biệt bệnh thối ấu trùng, nhộng bọc, thối ấu trùng châu Mỹ và châu Âu.
======
Bài viết được biên soạn bởi Mật Ong Golden Bee https://goldenbee.com.vn/
Tất cả về Mật Ong https://goldenbee.com.vn/mat-ong
Thông tin về Ong Mật https://goldenbee.com.vn/ong-mat
Sản phẩm Mật Ong Nguyên Chất Golden Bee https://goldenbee.com.vn/san-pham/mat-ong-nguyen-chat-golden-bee
Mật Ong Nguyên Chất Golden Bee
₫100,000 – ₫500,000
Mật ong nguyên chất Golden Bee, khai thác tại Tây Nguyên.
Đóng chai theo quy trình khép kín, bảo đảm VSANTP.
Đã hạ thủy phần trong nước dưới 20%.