Không ít người đã nhiều năm nuôi ong mà vẫn thờ ơ với bệnh của ong và coi là sự ngẫu nhiên, đôi khi do sai sót về kĩ thuật làm đàn ong bị sa sút thì lại đổ lỗi cho bệnh chí.
Dù cho nuôi ong nghiệp dư, nuôi ong giải trí hay kinh doanh chuyên nghiệp thì việc giữ gìn sức khỏe và sự sống của từng đàn ong phải là lương tâm, là trách nhiệm nghề nghiệp, vì thêm một giờ sống của một con ong là thêm một giọt mật thơm cho con người.
Ngày nay các nước nuôi ong tiên tiến đã có viện nghiên cứu về ong, có nhiều bác sĩ và kĩ sư chuyên ngành nghiên cứu bệnh ong. Trong phạm vi chương này, xin giới thiệu kinh nghiệm thực tế về một số bệnh của loài ong ngoại, để góp phần nghiên cứu các bệnh ong tại các vùng nuôi ong ở phía Nam nước ta.
Chí ong là một tên thông dụng đối với người nuôi ong mật.
Chí hại ong đã gây thành một ấn tượng về tâm lý không tốt cho cả những người nuôi ong lâu năm, đặc biệt là những người mới vào nghề lại càng hoài nghi sự thành công của mình.
Qua theo dõi bệnh chí ở đàn ong nhập ngoại Apis Mellifia, một số nhà nuôi ong đều thống nhất nhận định như sau: Khi kết thúc mùa khai thác mật ở vùng Xuân Lộc, Đồng Nai và một số vùng khác ở hai vùng Nam Bắc thì 80% tổng số đàn ong bị giảm sút xuống còn 30 – 50%. Thậm chí cũng có một số trại phải giải thể, nhưng giữa lúc đó cũng có một số trại ong ở những vùng khác, sau khi khai thác chẳng những tổng số đàn ong không bị giảm sút mà còn tiếp tục khai thác được sữa chúa và nhân giống tạo đàn rất tốt.
Những hiện tượng giảm sút đàn ong ở các tỉnh thành sau vụ khai thác mật vẫn coi là một tổn thất kinh tế khá lớn, tốc độ đàn ong tăng rất chậm, sản lượng mật khai thác của cả nước gần như dậm chân tại chổ… Tình hình trên đây do tổng hợp của quá trình quản lý kĩ thuật, nhưng dẫn sao bệnh chí hại ong, mọi người vẫn coi là một tai họa chủ yếu, hằng ngày gây ra thiệt hại đối với ngành ong.
Golden Bee Xin lần lượt tóm tắt một số vấn đề chung nhất của bệnh chí hại ong mật để các bạn cùng tham khảo.
I. Những loại chí hại ong ở nước ta
Không mấy nghi ngờ rằng trên thân hình của con ong nhỏ bé như vậy cũng có nhiều loại ký sinh. Cho đến nay người ta đã tìm ra hơn 41 loại ký sinh khác nhau trên con ong mật (tuy nhiên cũng có vài loài vô hại), nhưng riêng bệnh chí thì đã tìm thấy có 3 loại.
1. Con chí mén:
Tên khoa học là Tropilaclaps Clareae, thân hình bầu dục như cái trứng, có 8 cái chân, màu vàng sẫm hoặc trắng mốc, ở con cái có kích thước 1,17mmx1,17mm, ở con đực có màu vàng nhạt, kích thước 0,88mm x 0,72mm. Chúng di chuyển rất nhanh, chuyên sống chuyển tiếp, chui rúc vào các ô lăng có ấu trùng từ 3 ngày tuổi trở đi.
Vòng đời của chúng từ trứng đến chí trưởng thành chỉ có 5 ngày do đó mà chúng sinh sản rất nhanh.
2. Con chí Braula Coeca:
Con chí này đã được Trumanoff và các nhà bác học khác nghiên cứu rất công phu tại Đông Dương năm 1936. Braula Coeca là một loại côn trùng có 6 chân, có giác bám hình răng lược rất chắc chắn, màu đỏ ngói,
kích thước 1,2mm – 1,5mm, thoạt nhìn dễ lầm với con Varotoz.
Vòng đời phát dục của chúng tới 21 ngày và ký sinh chủ yếu trong nắp mặt bên trong ô lăng ong mật.
3. Con chí lớn:
Tên khoa học Varrotoz hay còn gọi là Varoz Zacobsoni
Varrotoz là một loài tri thú có 8 chân, con đực có kích thước 1,1mm – 1,2mm màu trắng xám; con cái 1,5 – 1,8mm màu nâu sáng, màu cà phê, chân có nhiều giác bám, giác rất chắc.
Vòng đời phát dục của chúng ở con cái từ 8 – 10 ngày, ở con đực 6 – 8 ngày. Gần 90% chúng thích ở các ô lăng có ấu trùng và nhộng ong đực.
Như vậy, trên con ong ngoại nhập Apis Mellifica hiện nay có 3 loại ký sinh trùng hại ong, nhưng con Braula Coeca ít nguy hiểm hơn. Giữa con Varrotoz và con Tropilaclaps Clareae thì con Varrotoz dễ phòng trị hơn, nhưng cả hai con chí này luôn luôn tồn tại dai dẳng trong các đàn ong và chúng sẵn sàng hủy diệt đàn ong, khi biện pháp phòng trị của ta thiếu tích cực.
II. Nguồn gốc, xuất xứ và cách lây lan của chí hại ong
1. Nguồn gốc xuất xứ
a, Chí Tropilaclaps Clareae:
Cho tới nay chưa có tài liệu và công trình nào nghiên cứu kỹ về nguồn gốc xuất xứ. Nhưng ở nước ta chúng là loại ký sinh nguy hiểm nhất của loại ong mật, cả ong nội địa và ong nhập. Bệnh thường xuất hiện vào mùa lạnh, khi trời ẩm ướt, đặc biệt là mùa hoa cây cơm, tràm, trà, dứa…Chí phát triển mạnh (mùa các loại hoa kể trên trổ cũng là mùa lạnh, ẩm ướt).
Có giả thiết cho rằng chí Tropilaclaps Clareae cũng bắt nguồn từ con ong nội mà cũng chính con ong nội địa Apis Indica và Apis Cerrena vừa là nguồn gốc cho sự tồn tại của chí cũng vừa là ký chủ trung gian để truyền bệnh sang cho đàn ong nhập ngoại.
b, Chí Braula Coeca:
Theo Trumanos nghiên cứu bệnh ong ở Đông Dương 1936 cho biết, chính ong nội địa Apis Indica và Apis Cerrena ở vùng Phú Thọ nước ta cũng như con ong nội địa ở miền Tây nước Pháp và Bugari đều mắc bệnh chí Braula Coeca và con chí Braula Coeca hiện nay cũng làn truyền sang cho nhiều giống ong khác ở các lục địa.
c, Chí Varrotoz:
Wolfgang Retter cho biết nguồn gốc xuất xứ của con Varrotoz bắt nguồn từ con ong nội địa ở phương Đông, địa hạt nằm ở tuyền Uran, Afganistan, mặc dù hai địa hạt nằm cách xa nhau, nhưng do phương thức giao du tìm nguồn thức ăn của con ong rừng và việc mua bán con ong giống mà mầm bệnh được lan truyền từ con ong Apis Indica ở các rừng núi Trung Đông sang cho ong nuôi Apis Mellifica ở phương Tây.
2. Các hình thức lây lan để truyền bệnh
Đặc điểm của giống bọ chí là: chúng không thể tồn tại khỏi con ong quá 24h, nhưng với nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, có thức ăn đầy đủ thì chúng có thể sống cô lập được từ 5-7 ngày, còn khả năng truyền bệnh tự nó phát đi thì hoàn toàn không có. Truyền lây bệnh cho nhau thường do các nguyên nhân sau:
a, Do sự giao du của các đàn ong như: ong di chuyển vùng ở, ong bốc bay, ong tìm nguồn thức ăn, ong đi cướp mật, ong đi và về bị lộn tổ.
b, Do sự mua bán ong chúa và đàn ong giống giữa các trại ong, các vùng, các địa phương không qua công tác kiểm dịch.
c, Do các thao tác chăm sóc nuôi dưỡng của những người nuôi ong, không cách ly và phòng trị các đàn ong bị chí. Chi viện, nhân hoặc ghép đàn với với nhau một cách tùy tiện.
d, Do công tác vệ sinh các công cụ nuôi ong không tốt. Sử dụng thùng ong và khung cầu quá cũ.
e, Sự tồn tại của con ong rừng Apis Cerrena: Ong rừng vốn là ký chủ trung gian truyền bệnh vừa là ký chủ mầm bệnh. Sự có mặt của con ong rừng ở đâu thì đàn ong nuôi ở đấy không thể tránh khói sự cảm nhiễm của ba loại chí kể trên.
III. Mức độ tác hại của con chí đối với con ong ở từng giai đoạn phát triển
1. Chí Braula Coeca:
Qua nhiều tài liệu thì chúng không thuộc vào loại ký sinh nguy hiểm vì chúng sinh nở bên mặt trong của nắp ô lăng ong mật (khi mật gần bít thì nắp thì chí cái chui vào đấy để sinh đẻ) thức ăn của chúng chủ yếu là mật ong, nhưng nếu mức độ kí sinh nhiều, nhiều chí con nở ra chúng bám vào ong thợ không đi làm việc được, ong chúa sẽ ngưng đẻ (chúng thích phối giống trên lưng ong chúa). Nếu chí ở mức độ nhiều, năng suất khai thác sản phẩm bị giảm sút, ong có thể ngưng làm việc và thậm chí có thể bốc bay. Ở giai đoạn ấu trùng và nhộng thì chí này không gây tác hại đáng kể.
2. Chí Varrotoz và Tropilaclaps Clareae:
Đây là hai loại ký sinh nguy hiểm, cơ chế bệnh lý và mức độ thiệt hại kinh tế do chúng gây ra tương tự với nhau. Do đó tôi ghép cơ chế bệnh lý của hại loại chí này vào những đề mục chung, nếu có những điểm khác nhau sẽ miêu tả thêm.
a, Đối với loại ong trưởng thành:
• Chí gây cản trở sự đi lại vệ sinh và làm việc trong tổ, hạn chế sự tiết sữa nuôi ấu trùng và ong chúa, tốc độ đi thu mật và phấn hoa bị giảm.
• Làm cho ong thợ giảm sức chống đỡ với các loại sâu bệnh khác, đặc biệt là đàn nào có chí nhiều đàn ấy dễ bị đàn ong mạnh cướp mật.
• Chí bám vào các kẽ hở của ong như: các tuyến sáp, các khớp móc nối ở phần ngực và bụng, chúng đốt, hút các chất dinh dưỡng của ong thợ, tạo ra các vết thương để cho các loại vi khuẩn khác xâm nhập vào gây rối loạn các chức năng hoạt động của ong thợ.
• Mức độ chí quá nặng đàn ong thợ sẽ ngừng làm việc hoàn toàn, chúa ngừng đẻ, mọi hoạt động khác của đàn ong bị tê liệt, trong đàn ong sẽ mất hết giai đoạn (ấu trùng, nhộng…) đại bộ phận đàn ong bị nhiễm khuẩn, tế bào máu bị giảm, bạch huyết bị nhiễm khuẩn, tuổi thợ ong thợ còn lại sẽ bị rút ngắn, đàn ong nói chung sẽ bị giảm sút rất nhanh và bốc bay hàng loạt.
b, Đối với ong non mới nở:
Tỷ lệ suy dinh dưỡng càng ngày càng tăng, thân hình của ong ong bị nhỏ bé lại, chân cẳng què quặt, cánh cụt hoặc xoắn thậm chí không có cánh. Trước cửa thùng, ong non mang những bệnh trạng trên bò la liệt dưới đất rồi chết.
c, Đối với ấu trùng và nhộng:
– Sự tác hại của chí Varrotoz:
Khi ấu trùng gần vít nắp, chí cái lẻn vào đấy sinh sống bằng chất huyết tương của ấu trùng và nhộng. Khi ấu trùng vít nắp thì chí cái bắt đầu đẻ, số lượng trứng đẻ từ 2-7 các hoặc hơn. Sau 24h chí nở thành chí con (ở con đực là từ 6-8 ngày, ở con cái là từ 8 -10 ngày), chí nở ra khi cứng cáp và sinh sống bằng chất huyết tương của con nhộng rồi giao phối luôn trong ô lăng và con đực chết, con cái chui ra tìm vào ô lăng có ấu trùng khác để chui vào tiếp tục sinh đẻ.
Ta ít thấy sự có mặt của con chí trưởng thành trong ô lăng của ong thợ vì chúng thực hiện chuyển tiếp chu trình sinh nở trên đúng với thời gian (vì huyết tương của ấu trùng và nhộng ong thợ kém). Khoảng 90% chí trưởng thành trong ô lăng ong đực từ ấu trùng tới nhộng và thậm chí khi ong đực nở và chui ra thì những con chí ấy cũng ra theo. Có giả thuyết cho rằng: chí thích kí sing trong ô lăng ong đực và bám sống theo con ong đực tới khi nở, vì ấu trùng và nhộng ong đực có dồi dào huyết tương hơn ấu trùng và nhông ong thợ.
Trường hợp nặng, con ấu trùng và nhộng ấy sẽ chết, ấu trùng và nhộng ong thợ thì teo lại còn giữ được màu trắng không vít nắp, hoặc đã vít nắp rồi mà có lỗ nhỏ 1-2mm hình răng cưa. Khoảng 80% số ấu trùng và nhộng ấy chưa chết hẳn, còn 20% thì chết hẳn và chuyển màu xám đen. Ong đực ở giai đoạn nhộng bệnh tình rõ hơn: nhộng chết hoàn toàn đều xám lại, chân cẳng mềm, cánh xoắn hoặc không có cánh, nắp thường không trám, khi gắp các nhộng ấy ra, thường có từ 3-5 con chí, hoặc nhiều hơn cùng bám theo xác chết. Còn ở ấu trùng gần vít nắp hoặc đã vít nắp rồi có khi chí không đủ sức để giết ấu trùng đó. Dùng kẹp gắp ra thấy có từ 3-5 con chí sống hòa thuận với nhộng và ấu trùng ấy. Có thể là do thức ăn của ấu trùng và nhộng ong đực còn dự trữ thừa, con chí chưa thiếu ăn nên chưa giết ngay ấu trùng và nhộng ấy.
– Tác hại của chí Tropilaclaps Clareae:
Khi nở ấu trùng được 3-4 ngày tuổi thì chí cái mới chui vào để đẻ trứng trong các ô lăng ấy từ 3-5 trứng. Sau 46-58 giờ trứng ấy mới chuyển hóa thành tiền nhộng. Từ 44 – 45 giờ sau biến thành hậu nhộng và nở ra thành chí con. Một hoặc hai ngày tiếp theo chí đã trưởng thành và phối giống trong ô lăng và con đực chết, con cái tự cắn nắp chui ra vào các ô lăng có ấu trùng 3-4 ngày tuổi tiếp tục chu kỳ khác.
Vòng đời của chí Tropilaclaps Clareae chỉ có 5 ngày, do đó tốc độ của chí phát triển rất nhanh. Trên 90% chí sống trong các ô lăng có ấu trùng, còn khoảng 10% ta gặp chí ở trên ong trưởng thành (do quá trình chuyển tiếp nơi cư trú). Do cuộc sống chui rúc của loài chí, nên ta dùng hóa chất để giết chúng, thì tỉ lệ kết quả kém hơn chí Varrotoz.
Chí Tropilaclaps Clareae và bệnh tích do chí gây ra cho ấu trùng và nhộng đều giống chí Varrotoz, nhưng do vòng đời phát dục của nó ngắn nên chí Tropilaclaps Clareae phát triển rất nhanh, nếu xao lãng phòng trị, chỉ trong vòng một thời gian ngắn chí có thể trở thành nguy cơ cho đàn ong.
Ở trong một đàn ong mà có hai loại chí cùng tồn tại và tiếp tục xâm nhập vào ấu trùng và nhộng ong, chỉ cần 2-3 chu kỳ ong non ra đời không đủ để thay thế đàn ong già thì đàn ong ấy rất khó hồi phục.
IV. Các biện pháp phòng trị.
Có giả thuyết cho rằng, nguồn gốc xuất xứ của tất cả các loài chí đều từ con ong rừng (ong nội Apis Indica, Apis Cerrena) truyền sang cho đàn ong nuôi Apis Mellifica. Ong rừng sống dã sinh rất mạnh, khả năng giao du rất rộng rãi, vả lại nguồn thức ăn thiên nhiên cung hưởng là loài mật hoa.
Những thông tin khoa học cho ta thấy, ở trên khắp các Châu lục đều phát hiện trên đàn ong của mình hầu như tồn tại cả ba loại chí kể trên. Nhưng mức độ cảm nhiễm và thiệt hại do chí gây ra ở mỗi vùng, mỗi nước, mỗi lục địa đều khác nhau, trong đó vùng nhiệt đới bị nặng nhất.
Dưới đây là một số kinh nghiệm của nhiều nhà nuôi ong chuyên nghiệp ở các tỉnh phía Nam về biện pháp tiến hành phòng trị chí như sau:
1. Biện pháp phòng ngừa:
a, Về mặt nhà nước
Giữa công ty ong Trung ương và Hội nuôi ong mật Việt Nam phải có một quy chế và chế độ phân vùng kiểm dịch, kiểm tra về xuất nhập, mua bán ong giống giữa các vùng, đặc biệt là việc di chuyển đàn ong đi khai thác ở các vùng có nguồn gốc tồn tại của chí, các khu rừng có ong nội dã sinh, các dụng cụ vật tư có mầm mống của bệnh chí.
b, Về trách nhiệm của người nuôi ong
Phải tự giác không mua bán đàn ong giống của mình, đặc biệt là khi phát hiện đã có mầm mống tồn tại của bệnh chí.
– Các dụng cụ nuôi ong:
Thùng cũ phải được khử trùng bằng cách phơi nắng hoặc để nơi khô ráo trong vòng 15 – 30 ngày là chí sẽ chết.
Các khung cầu cũ của đàn ong có chí không được đưa vào các đàn ong không có chí. Trước khi dùng phải được xử lý kỹ thuật theo phần hướng dẫn sau:
– Trong trại ong: khi đã phát hiện đàn ong nào có chí thì phải cương quyết cách ly và xử lý đúnh quy trình kỹ thuật.
– Các trại ong thuần chủng: tuyệt đối không được đặt gần các khu rừng có nhiều ong sống dã sinh.
– Tạo cho một địa điểm đặt trại ong đảm bảo thoáng và mát, có nhiệt độ từ 20 – 33 độ C và độ ẩm từ 60 – 65 độ C là tốt nhất, đàn ong ít bị giao động.
– Tạo thế đàn ong lúc nào cũng mạnh, số lượng cầu ong phải đạt từ 10 – 12 cầu và có số quân ong thợ phú kín hai mặt khung cầu. Phải bổ sung thức ăn đầy đủ cả về số lượng lẫn chất lượng.
– Kiểm tra thường xuyên: khi dùng thuốc phòng phải đúng quy trình kỹ thuật.
2. Biện pháp trị chí:
Hiện nay có rất nhiều phương pháp trị chí: bằng các chất hóa học, bằng vật lý học, bằng sinh thảo mộc, bằng nhiệt học, các hình thức tiết chế dinh dưỡng liệu pháp và các thao tác xử lý kỹ thuật…
Nói chung tất cả phương pháp trên đều có nhược điểm nhất định, tạo cho đàn ong ở trong tình trạng rối loạn về mặt tâm lý sinh học, vì thân thế con ong rất nhỏ bé, chúng tất nhạy cảm với mọi tác nhân không bình thường từ bên ngoài đem tới. Tuy nhiên, với trình độ khoa học hiện nay để cứu con ong khỏi tai họa của chí, không còn cách nào khác hơn là dùng hơn 20 loại hóa chất và các hình thức trên để can thiệp.
Từ năm 1975 đến nay, ở nước ta đã đẩy tốc độ phát triển đàn ong nhập Apis Mellifica ở khắp hai miền Nam Bắc. Đàn ong tuy có phát triển nhưng tốc độ vẫn còn chậm. Nguyên nhân đó có nhiều yếu tố khách quan khác tạo thành, nhưng con chí vẫn là mối đe dọa gây thiệt hại khá lớn về kinh tế. Sau những năm lận đận với con chí hại ong năm 1980 – 83, các phương pháp giải quyết con chí cũng được các nhà nuôi ong khẩn trương thí nghiệm tổng kết rút ra một số kết quả đáng mừng để nuôi ong lâu dài. Phương pháp trị chí đã được các nhà nuôi ong hiện nay áp dụng rộng rãi, đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng mừng.
a, Xử lý:
Xử lý bằng các phương pháp kỹ thuật:
• Điều chỉnh đàn ong: Trong hoàn cảnh nào cũng phải tạo cho thế đàn càng mạnh, càng tốt, tối thiểu không dưới 8 cầu, ong thợ phải phủ kín hai mặt cầu. Số cầu cũ quá 1 đến 2 năm phải kiên quyết loại bỏ. Chúa phải mới, có sức đẻ tốt (trừ trường hợp mua nhân giống, khi cần chia đàn thì mới để đàn 4-6 cầu, nhưng không có mầm mống bệnh chí).
• Nhiệt độ và độ ẩm: Trại ong phải được chọn đặt ở nơi thoáng và có nhiều bóng cây cho mát. Sau lưng trại ong phải có ao hồ hoặc suối nước mát. Nghĩa là phải chọn vị trí có một ưu thế trung bình ở nhiệt độ 20 – 33 độ C và ẩm độ 60 – 66 độ C, thùng ong phải kín, ván đóng thùng có độ dày 1,7-2,5cm ( đặc biệt ván làm nắp phải dày hơn 2cm), cửa thùng và cửa sổ chỉ mở ở độ cần thiết.
• Thời gian chăm sóc đàn ong tốt nhất là, sáng từ 8-11 giờ, chiều từ 2-5 giờ.
• Loại bỏ các ô lăng có nhộng và ấu trùng ong đực nếu không phải là đàn ong để giống.
• Phát hiện sớm và cách ly ngay những đàn ong có mầm mống bệnh chí.
• Nếu là đàn ong đã có chí hoặc nghi là có chí thì phải xử lý:
• Tách cầu nhộng và cầu ấu trùng tuổi lớn tập trung vào một đàn riêng chờ nở hết để đánh thuốc.
• Tách cầu trứng và cầu không, tập trung lại một đàn (đàn này có chúa) để dùng thuốc đánh chí ngay nhằm giết hết chí già.
• Cũng có thể dùng cả đàn có chí tách chúa cho đẻ những cầu không của đàn khác. Số cầu còn lại tập trung tổ chức, khai thác sữa chúa liên tục cho đến khi không còn cầu ấu trùng và cầu nhộng nữa.
Trong thời gian khai thác sữa không cần phải đánh thuốc, bởi vì không có cầu ấu trùng sẽ không có nơi sinh đẻ của chí cái, đồng thời ong thợ có cơ hội để dọn dẹp vệ sinh gắp các chí trưởng thành tống ra ngoài tổ ong. Sau khi ấu trùng, nhộng nở hết và cũng liền kết thúc khai thác sữa thì ta dùng thuốc đánh liên tục 2-3 ngày, chí già sẽ bị tống ra hết khỏi đàn ong.
Cũng có thể dùng đàn có chí chia ra nhiều đàn nhỏ để giới thiệu mũ chúa mới, khi chúa mới nở ra tốt nhất là đem con chúa ấy giới thiệu cho đàn giao phối khác, còn đàn ấy tiếp tục giới thiệu mũ chúa đợt hai. Khi mũ chúa đợt hai này nở ra ta tiếp tục để lại giao phối luôn thì chắc ăn hơn là để cho giao phối ở đợt một.
Do một số ngày kéo dài không chúa đẻ, đàn giao phối không có ấu trùng cho nên chí già cũng bị tiêu diệt như hình thức cách ly khai thác sữa chúa trên. Nhưng trước khi cho chúa đẻ lại ở các khung cầu ấy, nên dùng thuốc đánh chí để diệt tận gốc những con chí già còn tồn tại.
Trong bất cứ trường hợp nào dù đàn ong có chí hay không có chí, tuyệt đối các cầu ấu trùng tuổi nhỏ (từ 3 -6 ngày) không được đem ra quay mật. Do động tác quay mật không khéo, các ấu trùng con non bị bong ra trôi theo dòng mật hoặc ra khỏi giới hạn dòng sữa, bám vào thành ô lăng…trường hợp này người công nhân thường vô tình để đàn ong của mình dẫn tới mất giai đoạn.
Riêng con chí mén Tropilaclaps Clareae, ta dùng phương pháp tăng cường gắp các ô lăng có ấu trùng bị cảm nhiễm rồi dùng bông tẩm cồn 90 độ khuấy vào chí sẽ chết. Trường hợp không có cồn và để đơn giản hơn, người ta dùng kẹp giết luôn những con ấu trùng và nhộng ấy bằng cách: khuấy cho dịch thể của các ấu trùng ngập ra làm cho tất cả mọi con chí cư trú trong ấy chết ngộp do các dịch thể ấy.
Giết chí mén bằng cách này tuy mất nhiều thời gian và công phu hơn dùng thuốc, nhưng hiệu quả diệt chí rất cao vì giết được cả hai loại chí Tropilaclaps Clareae và Varrotoz. Tuy có tốn công nhưng chi phí tiền thuốc, tiền mua sắm vật tư khác sẽ giảm đi đáng kể. Hiện nay có một số trại ong áp dụng phương pháp này mà không dùng thuốc, tốc độ phát triển đàn ong, sản lượng thu hoạch cũng không thua kém mà còn vượt hơn một số trại sử dụng thuốc.
– Xử lý bằng các hình thức tiết chế dinh dưỡng:
Song song với các phương pháp xử lý kỹ thuật, phương pháp tiết chế dinh dưỡng phải được coi là hàng đầu để đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trên.
Dự trữ thức ăn bằng mật hoặc bổ sung siro đường trong mọi trường hợp.
Mật hoặc siro đường là nguồn năng lượng không thể thiếu được. Trong hoàn cảnh nào đàn ong cũng có tối thiểu cầu dự trữ 1/3 vít nắp hoặc 1/2 càng tốt. Tuyệt đối không được cho ong ăn đường quá xấu (đường thùng, đường thủ công thì nên nấu, vớt bọt kỹ, còn đường tán thì không nên dùng vì có vôi). Ăn đường xấu ong bị khui nắp, thối ấu trùng, tốc độ đàn ong phát triển chậm, chất lượng sữa chúa không đảm bảo.
Đường dành cho ong ăn vừa giảm được số lượng và hạ được giá thành là cát vàng.
– Dự trữ bằng phấn thiên nhiên hoặc bổ sung thêm phấn nhân tạo.
Phấn hoa thiên nhiên hoặc phấn nhân tạo là nguồn cung cấp protein, vitamin và các chất quan trọng khác. Nếu thiếu mật thì bổ sung bằng siro đường rất dễ, còn thiếu phấn thiên nhiên thì việc bổ sung phấn nhân tạo gặp nhiều khó khăn hơn và kết quả đàn ong phát triển không tốt bằng nguồn phấn thiên nhiên.
Kinh nghiệm cho thấy, một hỗn hợp phấn nhân tạo sau đây có giá trị dinh dưỡng tương đương với phấn thiên nhiên đã được dùng rộng rãi:
• Bột đậu nành mịn: 60%
• Bột sữa bò: 15%
• Men bia: 15%
• Phấn thiên nhiên: 10%
Hỗn hợp phấn nhân tạo trên đây nên dùng cả hai phương pháp cho ong ăn, mới tận dụng khả năng tiêu hóa của ong thợ, nuôi ấu trùng bình thường và còn có thể khai thác được sữa chúa.
Tốt nhất là trong quá trình cho ong ăn bằng phấn nhân tạo nên bổ sung thêm các chất sau đây:
• Lòng đó trứng gà đánh kem: 1 trứng
• Vitamin B1 viên 0,01g: 10 viên
• Vitamin b12 1.000gama: 1 ống
• Vitamin C viên 0,01g: 5 viên
Trộn chúng lại cho 10 đàn ong ăn mỗi tuần 2 lần và ong ăn quanh năm càng tốt.
b, Các phương pháp xử lý bằng hóa chất.
Khi các phương pháp xử lý bằng kỹ thuật đã chu đáo, bệnh chí sẽ không còn là mối đe dọa cho đàn ong nữa, nhưng dù sao, việc dùng hóa chất để phòng ngừa bệnh chí vẫn là một phương pháp để đảm bảo an toàn cho đàn ong quang năm.
Có hơn 20 loại hóa chất khác nhau mà các nước đã áp dụng. Trong hoàn cảnh nước ta, xin giới thiệu 2 loại hóa chất thông dụng đã mang lại nhiều hiệu quả tốt hơn hết: Thuốc Phenontiazin thú y có màu xanh sẫm ở dạng bột nhuyễn và loại lưu huỳnh bột mịn.
Sau đây là các bước tiến hành:
– Cơ chế dùng thuốc:
Lưu huỳnh: dùng một khay bằng tôn có thành cao 7mm, trên dùng lưới sắt có lỗ vuông độ 1mm bọc lại và dùng rây một lớp lưu huỳnh mỏng dưới khay tôn (phải dùng lưu huỳnh tốt, cũng có người thay lưu huỳnh bằng tro bếp, bằng nước hoặc bằng vaselin…) khi con chí rơi xuống lọt qua lưới tiếp xúc với chất được rải trên màn tôn và chí bị tác dụng với các chất ấy rồi chết.
Thuốc Phenontiazin (trước khi dùng thuốc nên kiểm tra) thuốc phải khô, không bị vón cục và giữ được nguyên màu sắc của thuốc, thuốc được cân và gói vào giấy mỏng (giấy vệ sinh hoặc giấy hút thuốc) và đánh số thứ tự theo liều lượng.
Đàn 12 -15 cầu gói 1/2g thuốc.
Đàn 10- 12 cầu gói 1/3g thuốc.
Đàn 8 -10 cầu gói 1/4g thuốc.
Khi đốt khói thuốc vào thùng ong sẽ tạo ra hai tác dụng: Trước hết làm cho con chí bị say, mất cảm giác bám vào con ong và các ô lăng: thứ hai là con ong bị khói xông gây ra ngột ngạt nên con ong tập trung quạt cánh và chạy tán loạn khắp tổ ong, làm cho chí đã mất khả năng bám còn bị mọi tác động cơ học của con ong, bị rơi xuống máng có lưu huỳnh rồi không bò lên được mà chết.
V. Chuẩn bị đàn ong để phòng ngừa thường xuyên
(Trường hợp đàn ong bình thường hoặc cảm nhiễm nhẹ)
Các bước tiến hành:
Gắp hết các ấu trùng không trám nắp và các ấu trùng nhộng ong đực (trừ đàn giống). Nếu các ô lăng có ấu trùng bị thối, phải dùng bông tẩm cồn lau sạch.
Nới rộng các khung cầu ong cho có khoảng cách từ 1.5 – 2cm (để cho khói thuốc dễ lưu thông).
Chèn kín các kẽ hở, cửa sổ của thùng ong lại.
Đặt máng lưu huỳnh dưới đáy thùng ong.
VI. Chọn đàn ong có cảm nhiễm bệnh chí để trị thuốc
Rút tất cả các cầu nhộng và cầu ấu trùng tuổi lớn, gắp hết các ô lăng có ấu trùng và nhộng bị chí, loại trừ hết ấu trùng và nhộng ong đực rồi ghép lại thành một đàn để trị. Trị liên tục 5 ngày một lần cho đến khi nhộng và ấu trùng nở hết và kiểm tra lại. Khi không còn chí rớt nữa, mới tạm coi là an toàn và giới thiệu chúa mới cho tiếp tục đẻ.
Tập trung các cầu có ấu trùng tuổi nhỏ và cầu không lại thành một đàn và vẫn cho chúa đẻ nhưng chỉ dùng thuốc trị liên tục 5 ngày một lần, trị liên tục 7 lần. Khi không còn chí rớt nữa, mới tạm coi là đàn ong an toàn.
(Cả hai cách trị ở những đàn chí nặng này trước khi dùng thuốc cũng nới cầu rộng ra, chèn kín thùng lại và đặt máng lưu huỳnh dưới đáy thùng.)
VII. Chuẩn bị than và lồng để đốt thuốc
Than củi được đập nhỏ độ 1,5 x 2cm và lồng thiếc uốn thành hình hộp chữ nhật có mặt (3 x 5cm.)
VIII. Tiến hành đốt thuốc để trị chí
Tất cả đàn phòng hoặc trị được phân chia ra theo hai loại trên. Khi dùng thuốc trị phải tiến hành theo thứ tự sau đây:
• Chờ cho con ong về hết tổ (độ 6 – 7 giờ tối)
• Đốt than cho cháy hồng rồi gắp một cục bỏ vào lồng thiếc, đặt gói thuốc theo số thứ tự rồi gắp thêm một cục than hồng nữa đặt lên gói thuốc, nhanh chóng dỡ nắp thùng ong đặt gọn lồng thuốc đó vào trên mặt các khung cầu ong (đặt giữa trung tâm các khung cầu) xong đậy nắp thùng ong lại và khép kín cửa ra vào.
• Sau 15 phút nới cửa ra vào độ 2 -3cm để ong khỏi chết ngộp.
• Sáng hôm sau dở nắp thùng ong, lấy lồng thiếc ra (nếu thuốc không cháy hoặc đang cháy dở thì hôm sau phải đốt lại) và lấy máng lưu huỳnh ra để kiểm tra mức độ chí rớt và khép các khung cầu lại y như cũ. Nếu
10 cm vuông trên máng lưu huỳnh mà có từ 3 – 5 chí rớt tức là chí đã phát sinh mạnh và phải có kế hoạch khẩn trương để loại trừ chí sớm bằng phương pháp tổng hợp.
Chú ý:
• Chu kỳ 5 ngày một lần và đốt 7 lần (35 ngày)
• Những đàn làm sữa không đốt thuốc.
• Các chu kỳ trị thuốc phải chấm dứt trước khi bước vào mùa mật từ 5 – 10 ngày để cho ong thợ có đầy đủ sức khỏe.
• Những ngày trị thuốc phải cho ăn nhiều hơn ngày thường để đàn ong mau lại sức khỏe.
Tóm lại:
Chí hại ong hiện nay vẫn còn gây cho người nuôi ong mật nỗi lo lắng về sự thành bại trong nghề nghiệp của mình. Nhưng đứng về góc độ sinh thái học, xét cả quá trình sinh hoạt của con ong thì con chí nói chung không phải là kẻ thù đầu tiên đáng sợ mà ta phải thừa nhận rằng, mỗi khi đàn ong hoặc cả trại ong bị thiệt hại là vì chúng ta thiếu quan tâm một số yếu tố sau đây:
Một là: Do thức ăn thiếu trầm trọng và kéo dài, bổ sung không kịp hoặc có bổ sung nhưng hàm lượng dinh dưỡng kém, cho ăn không đúng phương pháp.
Hai là: Nhiệt độ ngoài trời nóng hoặc lạnh quá, độ ẩm kém làm cho đàn ong bị khô, trứng bị thối (ung). Lạnh thì ong thợ bỏ các cầu bìa không ấp được trứng, nóng quá ong thợ ra ngoài bám xung quanh hoặc ngoài thùng… làm cho công việc tiết sữa nuôi ấu trùng, nuôi chúa bị giảm, mọi công việc vệ sinh chống đỡ bệnh tật bị xao lãng…
Ba là: Do kỹ thuật quay mật không đảm bảo:
– Khi cầu ong có mật, ta giũ quá mạnh làm cho số ong thợ bám vào cầu bị văng lung tung thậm chí có những con ong thợ bị va chạm chết ngay, còn lại những con ong khác thì bị chấn thương làm cho tuổi thọ bị rút ngắn mà ong non thay thế không kịp.
– Khi quay mật ta đã quá tham, quay cả cầu ấu trùng tuổi nhỏ, vì ấu trùng tuổi nhỏ được tắm (nằm) trong một khối lượng sữa rất nhỏ và loãng, chỉ cần tác động nhẹ ấu trùng ấy có thể bật ra, trôi theo dòng mật hoặc bật ra bám vào thành ô lăng rồi chết.
– Cầu có ấu trùng tuổi lớn hoặc cầu nhộng, khi ta quay mật và khấy động quá mạnh tay làm cho quá trình chuyển hóa bị ảnh hưởng, thậm chí có những con bị lộn đầu…
– Tất cả những thiệt hại trong phần thứ ba này rất lớn nhưng ta hay coi thường, do đó mà 70-80% đàn ong trong vụ mật bị mất hết giai đoạn vì không có ong non thay thế.
Bốn là: Do cường độ làm việc của ong thợ:
Đây là một đặc điểm của loài ong mật, khi mật hoa rộ là chúng tập trung gần như lấy mật là chủ yếu, cường độ làm việc của chúng có thể tăng lên gấp mười lần, do đó mà tuổi thọ ong thợ giảm xuống.
Ngoài ra công việc tiết sữa nuôi ấu trùng, cho ấu trùng ăn, tiết sữa nuôi chúa, vệ sinh, chống đỡ bệnh tật…đều bị xao lãng cho nên mỗi lần quay mật là mỗi lần rút cầu bỏ ra.
Năm là: Bốn nguyên nhân đã tạo ra sơ hở cho hai loại chí Tropilaclaps Clareae và Varrotoz có điều kiện phát triển và xâm nhập.
Do chu kỳ đánh thuốc của chúng ta không nghiêm túc, hơn nữa loại chí mén Tropilaclaps Clareae có vòng đời ngắn, sinh sản mau lẹ, lại thích sống chui rúc, tỷ lệ sống thường xuyên trong các ô lăng từ 80-90%. Nếu chỉ dùng một phương pháp hóa chất đơn thuần sẽ chỉ có hiệu nghiệm đối với con chí lớn Varrotoz.
Cũng vì những lý do trên mà muốn diệt hết chí mén, ngoài dùng thuốc để giết trong thời kỳ chuyển tiếp, phải trị chúng bằng cách gắp thủ công.
Năm phương pháp xử lý trên, nếu biết vận dụng và kiên trì giải quyết cho thật tốt thì con chí sẽ là kẻ thù sau cùng của nghề nuôi ong mật.
======
Bài viết được biên soạn bởi Mật Ong Golden Bee https://goldenbee.com.vn/
Tất cả về Mật Ong https://goldenbee.com.vn/mat-ong
Thông tin về Ong Mật https://goldenbee.com.vn/ong-mat
Sản phẩm Mật Ong Nguyên Chất Golden Bee https://goldenbee.com.vn/san-pham/mat-ong-nguyen-chat-golden-bee
Tác giả: Ong Mật Golden Bee
Lưu Ý: Để bảo vệ sức khỏe của mình, trước khi sử dụng bất cứ phương pháp, thực phẩm hỗ trợ sức khỏe nào nên tham khảo ý kiến chuyên môn của Bác sĩ phòng trường hợp dị ứng hoặc gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Nên sử dụng có liều lượng phù hợp, kết hợp với chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh để đạt được hiệu quả tốt nhất.
*
Bài viết được biên soạn bởi Công Ty Ong Mật Golden Bee https://goldenbee.com.vn/
Xem Tất cả về Mật Ong https://goldenbee.com.vn/mat-ong
Mật Ong Golden Bee https://goldenbee.com.vn/mat-ong-golden-bee
Mật Ong Thiên Nhiên Golden Bee https://goldenbee.com.vn/mat-ong-thien-nhien-golden-bee
Mua Mật Ong giá Sỉ https://goldenbee.com.vn/mat-ong-si
Thông tin về Ong Mật https://goldenbee.com.vn/ong-mat
Mật Ong Nguyên Chất Golden Bee https://goldenbee.com.vn/san-pham/mat-ong-nguyen-chat-golden-bee
Thùng nuôi Ong Mật https://goldenbee.com.vn/thung-nuoi-ong-mat
Kỹ Thuật Nuôi Ong Mật Tại Nhà https://goldenbee.com.vn/ky-thuat-nuoi-ong-mat-tai-nha
Bảng giá Mật Ong https://goldenbee.com.vn/bang-gia-mat-ong-hom-nay
*
🍯 Mua Mật Ong Sỉ/Lẻ:
Điện Thoại/ Zalo: 0973.745.279
🐝 Hỗ trợ Kỹ Thuật Nuôi Ong:
Điện Thoại/ Zalo: 0978.354.002
Hotline: 0973.745.279
Hỗ trợ từ 8h30 - 22h
Giao hàng 24h ở HCM,
2-4 ngày ở các Tỉnh.
MẬT ONG NGUYÊN CHẤT GOLDEN BEE
Chỉ 80K
Mua hàng tháng, giảm 10%
Loại
Mật Ong Đơn Hoa
Nguồn Gốc
Tây Nguyên - Đắk Lắk
Màu Sắc
Vàng Hổ Phách
Thành Phần
Mật Ong Nguyên Chất
Thương Hiệu
Mật Ong Golden Bee
tìm kiếm nhiều nhất
Mật ong nguyên chất
Thùng nuôi ong mật