Đặc điểm của nghề nuôi ong là sự chi phối của ngoại cảnh tác động tới năng suất, sản lượng và đặc tính sinh học của con ong mật. Mọi thao tác của người nuôi ong cũng có ảnh hưởng do đó mà việc tổ chức tốt các phương pháp chăm sóc và quản lý trại ong theo mùa vụ là một trong những biện pháp nuôi ong tích cực nhất.
I. Chăm sóc, quản lý trại ong vào mùa không lấy mật
( Từ tháng 6 đến tháng 12 hàng năm ở Miền Nam Việt Nam)
1. Những đặc điểm:
a, Thời tiết:
Mưa kéo dài, có những tháng giông to gió lớn độ ẩm cao.
– Ở Lâm Đồng: Lượng mưa kéo dài đến tháng 10. Từ tháng 10 đến tháng 12 về đêm lại lạnh, biên độ giữa ngày và đêm chênh lệch nhau, từ 15-20 độ C.Số giờ nắng trong ngày và trong thời gian này chưa được 50%.
– Ở vùng Đồng Nai, Sông Bé:
Lượng mưa không kéo dài, nhưng giông to, gió lớn ở các tháng 6-7-8. Từ tháng 10 đến tháng 12 về đêm cũng lạnh. Nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch nhau 5-15 độ C.
– Vùng Đồng bằng sông Cửu Long:
Từ tháng 7 đến tháng 10 vẫn mưa to, giông tố, lụt lột kéo dài. Từ tháng 11 đến tháng 12 khô ráo ấm áp, gió nhẹ.
– Vùng Buôn Ma Thuật:
Mức độ mưa giông vừa phải, nhiệt độ mát mẻ. Có thể nói khí hậu ở đây so với cả nước là rất tốt.
Do những đặc điểm trên đây mà các tỉnh từ khu 6 trở vào có thể chia thành các vùng có những điều kiện nhiệt độ, độ ẩm biến động khác nhau, do đó mà cách quản lý chăm sóc đàn ong trong mùa này cũng khác nhau.
b, Nguồn thức ăn:
– Vào mùa này, chỉ còn có một số tỉnh có thể thu một ít mật như sau:
• Minh Hải, Kiên Giang có mật Tràm trổ muộn (đến 15/8 là mật Tràm, đến 20/7 là mật Nhãn.)
Thời gian khai thác mật Tràm muộn, sản lượng cũng khá cao, nhưng việc đi lại rất vất vả vì nước lên cao, muối nhiều, hơn nữa chất lượng mật hoa lại không ngon.
• Vùng Lâm Đồng, Buôn Mê Thuật: Có mật Cúc và mật Cà Phê vào tháng 11 và 12.
• Vùng Long Khánh (Đồng Nai), Sông Bé (Lộc Ninh) có hoa cà phê vào tháng 12.
Nhưng nói chung lượng mật không cao, thời gian thu hoạch lại ngắn. Thời gian này chủ yếu phải nuôi ong bằng đường.
– Khả năng thu hoạch phấn:
Vào mùa này rất phong phú, nếu tổ chức chạy vùng (chủ động hoàn toàn) thì kể cả khai thác và dự trữ cho đàn ong rất đầy đủ.
Sau đây là một số vùng có nguồn phấn lớn:
– Vùng tỉnh Lâm Đồng:
Vùng Bảo Lộc và Di Linh: Có nguồn phấn trà (chè) rất lớn, ở đây có khả năng phát triển hàng vạn đàn ong. Thời gian hoa bắt đầu từ tháng 6 trở đi những hoa nở rộ nhiều và cho lượng phấn hoa cao từ tháng 8 đến tháng 12.
Ở hai huyện này từ 15 tháng 10 đến cuối tháng 11 lại có phấn bông mắc cỡ bổ sung khai thác không kém phần bông trà.
Ngoài ra cũng có thêm phấn bông quỳ và cà phê nhưng không nhiều lắm (vào tháng 12) Bảo Lộc là một vùng có ưu thế vừa làm giống vừa khai thác sữa ong chúa và phấn hoa trong một thời gian dài, sản lượng rất cao so với các vùng khác.
Tuy nhiên, vùng Bảo Lộc, Di Linh cũng có nhược điểm là mưa nắng bất thường, lượng mưa nhiều hơn nắng. Do đó thu hoạch, chế biế, dự trữ đều do ngoại cảnh tác động rất lớn.
– Vùng Đức Trọng:
Ở đây chủ yếu là phấn bắp và mắc cỡ (cỏ thẹn). Số lượng đàn có thể đạt từ 5-7 ngàn đàn ong vẫn đủ sức khai thác.
Ở vùng Đức Trọng cũng có nhược điểm là lượng mưa quá nhiều, nên việc thu hoạch và chế biến phấn gặp rất nhiều trở ngại.
Về ưu điểm, nơi đây tổ chức khai thác ong giống thì sản lượng rất cao.
Thời gian khai thác bắt đầu từ tháng 6 của năm trước tới tháng giêng của năm sau.
– Vùng Đồng Nai, Sông Bé:
Qua khảo sát sơ bộ, có vùng Xuân Lộc của Đồng Nai và cùng Lộc Ninh của Sông Bé là những nơi có tập quán nuôi ong tốt.
Nguồn bông mắc cỡ, cỏ dại, cà phê từ 15/10 của năm trước đến 15/2 của năm sau.
Nguồn phấn bắp có từ 20/5 đến 10/8 hằng năm.
Ngoài ra còn một số vùng khác cũng có các loại cây cho sản lượng phấn cũng khá dồi dào như: Hàm Tân, Sơn Mộc, Bà Rịa…
Do khả năng nguồn phấn lớn nên các địa bàn trên có thể phân phối nuôi được 5-10 ngàn đàn ong trong năm.
Năng suất bình quân cho một đàn 12 cầu có thể khai thác được 2,5-3,5 kg phấn sấy khô.
Đặc điểm phấn của các vùng trên là tỉ lệ đường cao nên công việc phơi sấy rất công phu.
Khả năng làm giống tốt, có đợt ong chúa phối giống đạt hơn 95% và xây cầu khoẻ, số đàn tăng nhanh.
– Vùng Thành Phố Hồ Chí Minh:
Mấy năm qua, vùng Củ Chi của TP. Hồ Chí Minh đã nuôi ong tại chổ được từ tháng 6-12 và khai thác được lượng phấn hoa cao.
Khả năng làm giống: Tỉ lệ chúa phối đạt từ 95% trở lên. Xây cầu nhân đàn so với cả nước thì thành phố có nhiều ưu thế hơn.
Loại phấn ở đây bao gồm có bắp, cao lương, cỏ dại, các loại họ đậu và mắc cỡ.
– Vùng đồng bằng sông Cửu Long:
Hầu hết ở các vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng có trồng bắp, cao lương nhưng diện tích không được tập trung lớn. Có tỉnh trồng được vài trăm hecta nhưng giao thông vận tải bị trở ngại. Ngoài ra còn mận, cóc và một số cây có phấn khác nhưng không lớn lắm. Tuy vậy, vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng là một địa bàn có nhiều ưu thế nuôi dưỡng đàn rất tốt cho ngành ong phía Nam.
– Vùng Buôn Ma Thuật, Gia Lai, Kom tum:
Là vùng có nguồn phấn tổng hợp lớn nhất, và có thời gian khai thác dài nhất, và điều kiện khí hậu thuận lợi nhất. Nơi đây, tương lai sẽ trở thành một trung tâm ong giống quốc gia có khả năng phát triển 10-15 vạn đàn hoặc hơn nữa.
c, Bệnh tật:
Mùa khai thác mật hết thì đàn ong bị giảm sút, bệnh tật dễ phát sinh. Đặc biệt là bệnh kí sinh trùng và bệnh tiêu hóa, viêm khí quản, nhộng trần hay gặp nhiều nhất.
Vùng dễ phát sinh bệnh là vùng Bảo Lộc và Xuân Lộc.
II. Tập trung chỉnh đốn thế đàn sau khi kết thúc mùa mật.
a, Chỉnh đốn thế đàn ở bước một:
Đặc điểm sau khi kết thúc mùa khai thác mật: Đối với ong nội địa thì tạm ngưng tốc độ phát triển nhưng thế đàn không bị giảm sút lớn (Có năm tăng rất tốt).
Riêng ong ngoại ở điều kiện Miền Nam hiện nay, ngay trong mùa khai thác mật nơi nào có cơ cấu cây trồng và rừng có nguồn phấn và mật cân đối đầy đủ thì nơi đó đàn ong sẽ lên tốt. Còn nơi nào nguồn phấn kém như ở Xuân Lộc, thì cứ sau mỗi vòng quay phải rút bớt cầu bỏ lại. Nghĩa là sau khi khai thác mật (mật cao su) thì đàn ong giảm từ 30-60%, trại ong bị mất cân bằng các giai đoạn. Một số cầu ong cần loại bỏ và một số cầu cần chọn lọc để bảo quản, đánh giá giám định lại chúa… Do đó mà công tác điều chỉnh thế đàn là một việc khẩn trương cần phải làm.
– Kiểm tra:
Kiểm tra toàn trại ong, ghi chi tiết chất lượng từng đàn ong.
– Tình trạng con ong chúa: Sức đẻ của trứng có còn kéo dài sau đó vài tháng nữa không, vòng trứng có mở rộng không? nếu chúa ốm yếu, vòng trứng thu hẹp, chúa đẻ lởm chởm… thì nên dự kiến loại bỏ.
• Mức độ phủ của ong chúa: Nếu ong thợ bám (phủ không đều 2 mặt cầu thì rút bỏ bớt các cầu cũ)
• Loại các khung cầu ra khỏi thùng ong: Nếu là cầu cũ và bị hư hại thì loại ra để nấu sáp, nếu là cầu tốt thì cho quay hết mật để bảo quản cho vụ tới.
• Kiểm tra mức độ sâu bệnh: Đặc biệt là bệnh chí đối với ong Ý, cần phải có kế hoạch loại trừ triệt để.
• Kiểm tra mức độ dự trữ thức ăn: Ở các khung cầu, đặc biệt là số lượng phấn ong dự trữ cần phải được duy trì.
Sau các động tác và thứ tự các khâu kiểm tra có thể xử lý tại chổ, hoặc chờ điều chỉnh về sau. Nhưng sau đó, phải tiến hành ngay việc sắp xếp lại các khung cầu cho thích hợp với nội bộ của từng đàn, và cứ như thế tiến hành cho toàn trại.
Bước kiểm tra điều chỉnh này, coi như tạm ổn định bước một. và tiến hành cho ong ăn theo dự kiến nếu mật, phấn bên ngoài không còn nữa.
b, Xử lý các tồn tại của nước một còn lại:
Sau khi kiểm tra bước một, người cán bộ kỹ thuật cần tổng hợp nghiên cứu ngay các kết quả kiểm tra, để có nhận định đánh giá một cách chính xác toàn bộ chất lượng đàn ong và đề ra một số biện pháp xử lý cụ thể.
– Xử lý chúa già, chúa kém đẻ, phương pháp dự trữ chúa còn tốt lại:
Nếu chúa già kém đẻ, không nên dự trữ mà cần kiên quyết loại bỏ.
Nếu chúa còn tốt, nhưng quân ong thợ còn lại quá ít, nên có kế hoạch nhập và giữ chúa. Biện pháp giữ chúa tốt nhất là không nên dùng lồng nhốt lại, mà nên chọn một cầu không còn tốt, với số quân ong thợ vừa phải, cho ăn đầy đủ để cho chúa đẻ, và khi chúa đẻ giáp hết thì rút ra chi viện cho đàn khác, rồi tiếp tục đưa cầu không vào, cho ăn để khai thác sức đẻ của chúa thừa.
– Xử lý đàn ong kém:
Đàn ong kém, ong thợ phủ quá thưa, chúa đẻ không tốt thì kiên quyết nhập lại. Có thể nhập từ 2-3 đàn yếu với nhau hoặc đàn yếu nhập vào đàn trung bình.
Đối với ong nội địa, có thể để hai cầu mà có chúa tốt cũng được. Riêng ong Ý, trong trại ong nếu có nhiều đàn dưới 4-5 cầu là gay go, đàn ong sẽ lên rất chậm hoặc có thể là tự hủy diệt.
– Xử lý đàn ong nhiều bệnh tật:
Kể cả bệnh thối ấu trùng do thức ăn hoặc độc dược, bệnh nhộng trần, viêm khí quản, bệnh lỵ, sâu sáp… đều làm thế đàn giảm sút, phải tiến hành xử lý bằng cách nhập theo từng loại bệnh với nhau tránh lây lan.
Vấn đề chủ yếu khi xử lý đàn bệnh là: chỉ nhập quân ong thợ và số cầu có con non còn tốt, sau đó phải dùng thuốc trị và cách ly ngay, đồng thời tiến hành phòng luôn cho cả trại bằng 10.000 UI kháng sinh/ đàn.
– Tiến hành cho ăn siro và phấn nhân tạo sau khi đã có dự kiến cho từng đàn cá biệt và toàn trại.
III. Tập trung nâng thế đàn và làm giống
Sau khi điều chỉnh xử lý xong, công tác tập trung nâng thế đàn phải làm hết sức khuẩn trương để có đàn ong mạnh, đủ sức nhân giống và khai thác.
a, Nâng thế đàn:
Điều kiện để nâng thế đàn cũng là bước đầu vào thời kỳ khai thác phấn hoa, do đó cần chú ý:
– Khai thác lượng phấn hoa thật phù hợp để cho mỗi đàn ong có mức dự trữ từ một cầu trở lên, nếu để cho mức độ dự trữ lan tràn thì vòng đẻ trứng của chúa bị hẹp lại. Những đàn không có khả năng dự trữ, phải chi viện cầu phấn ở đàn khác sang.
– Tăng viện cầu nhộng hoặc ấu trùng từ những đàn mạnh cho những đàn chưa đủ sức mạnh. Để tạo cho toàn trại có thế đàn ong không mất cân đối. Đồng thời viện thêm cầu không vào cho các đàn mạnh để cho chúa đẻ.
– Chọn nhiều đàn chủ công để xây cầu:
Ngoài những đàn mạnh có hiện tượng đòi hỏi xây cầu như: ong thợ tự sữa chữa cầu hư, xây thêm các chổ rách, xây lưỡi mèo…nên tiến hành thăm dò bằng cách cho toàn trại ong ăn thúc cho đến khi đàn nào cũng có siro dự trữ vít nắp từ 1/2 số cầu trở lên, rồi mới đem cầu có nền sáp vào để thăm dò.
Chú ý: Khi cho nền sáp vào thăm dò, phải cho toàn trại ăn thúc thêm trong 48 giờ. Nếu đàn nào không xây, lại có hiện tượng ong thợ cắn phá nền sáp thì lấy ngay nền sáp ra, còn đàn nào xây thì tiếp tục bồi dưỡng,
cho ăn thêm, tăng viện cầu nhộng để cho đàn ong mạnh thêm có ong tơ nối tiếp thì việc xây cầu của những đàn đó được lâu dài.
– Tạo nhiều chúa mới:
Việc tạo chúa mới phải hết sức nghiêm khắc, ngoài nguồn gốc của đàn bố mẹ tốt, thời gian với môi sinh phải được chú ý như sau:
Nếu nguồn thức ăn bên ngoài chưa được sung túc, sức phát triển đàn chưa đòi hỏi mà ta bắt đầu tạo chúa thì những con ong chúa mới ra đời này sẽ không tốt. Do đó mà tác động tạo chúa phải phù hợp với nguồn thức ăn đầy đủ và bản thân ong thợ đòi hỏi xây cầu, xây mũ chúa thì sữa chúa mới tốt và nhiều.
Khi tạo chúa, phải tạo liên tục kế tiếp nhau để có nhiều mũ chúa nối tiếp. Khi chúa non ra đời phối giống có mất hoặc không thành công thì có con khác thay ngay.
Ví dụ:
Trại ong có 50 đàn cần thay chúa ngay đầu vụ, thì số đợt thay chúa ít nhất phải từ 3-5 đợt, mỗi đợt ít nhất phải tạo 25 mũ và chỉ chọn lại 15-17 mũ. Khi số mũ vít nắp và nở ra thì chỉ có thể chọn lại từ 12-15 con. Khi chúa phối giống xong nếu tỉ lệ cao thì cũng chỉ còn 10-12 con để đưa vào sản xuất.
Do đó mà sau khi di ấu trùng để tạo chúa đợt 1, tiếp sau 3-5 ngày phải di đợt 2 và đợt 3…
b, Nhân giống:
Sau khi thế đàn toàn trại nâng lên đủ sức nhân giống và chuẩn bị tốt chúa để phối giống thì tiến hành một số bước như sau:
– Tách đàn giao phối cho chúa tơ:
Tại các cơ sở nuôi ong lớn và chuyên về ong giống nên dùng kiểu thùng giao phối 1/4 hoặc 1/2. Ở các cơ sở nhỏ làm giống có tính chất tự túc, dùng thùng giao phối bình thường loại 4 cầu.
Chú tơ giao phối, có người nghĩ đơn giản rằng chỉ cần một nhóm ong thợ nhỏ và thức ăn dự trữ không đáng kể, thậm chí còn có nơi lại không cho ong ăn thêm. Cách làm như vậy là không tốt.
Cầu ong được tách ra phải là một cầu nhộng có phấn và mật ong dự trữ đầy đủ, ong thợ phủ kín hai mặt cầu. Sau khi tách từ 12-24 giờ mới giới thiệu mũ chúa( có lồng bảo vệ). Như thế mũ chúa mới an toàn, chúa nở ra mới có ong tơ tiết sữa nuôi chúa giao phối.
Đàn giao phối nên để cách xa nhau và thoáng, không bị chướng ngại và trước mặt không có ao hồ, mỗi thùng có màu sắc khác nhau để cho chúa sau khi giao phối về không bị lộn tổ.
– Nhân giống:
Nhân giống là một biện pháp kỹ thuật nâng đàn ong kể cả về số lượng và chất lượng hết sức công phu. Sau khi có chúa tơ đã phối giống, tiến hành nhân giống theo các phương pháp sau đây.
• Phương pháp nhân song song:
Khi xếp đặt một trại ong bao giờ cũng chú ý vị trí để nhân song song.
Dùng một đàn ong gốc để nhân song song bằng cách dịch vị trí đàn gốc sang vị trí cạnh đó và đưa thùng nhân vào vị trí cũ, rồi chọn cầu ong ở đàn gốc từ 1/2 đến 1/3 trên tổng số cầu đặt vào thùng nhân (số cầu này chủ yếu là nhộng và ấu trùng). Nhưng do chất chúa quyến rũ toàn bộ số ong già sẽ tìm về đàn gốc, còn số ong non sẽ tiếp tục vào vị trí cũ của thùng nhân.
Sau khi tách cầu từ 12-24 giờ mới giới thiệu chúa mới, nhưng để đảm bảo an toàn phải có lồng chúa. Sau 24 giờ mới thả chúa, khi thả cũng phải kiểm tra, coi chúa không bị bao vây thì đàn nhân đó mới thực sự an toàn.
• Phương pháp nhân ghép 2 đàn thành 3 đàn (2 đàn mạnh + 1 đàn yếu):
Dùng 2 đàn gốc không mạnh lắm, do đó mà mỗi đàn chỉ rút được từ 2-3 cầu để nhập lại thành 1 đàn có 4-6 cầu.
• Phương pháp nhân 3 đàn để có 4 đàn bằng nhau:
Ví dụ: Có 3 đàn 12 cầu rút mỗi đàn 3 cầu để có 4 đàn mỗi đàn 9 cầu ong…
• Nếu trại ong có từ 10, 20 đàn và đến 100 đàn ong từ 10-12 cầu thì phương pháp nhân ghép để tăng đàn ong giống rất nhanh mà chất lượng đàn ong đều giữ được thế mạnh như nhau.
Ví dụ: 20 đàn có 10 cầu, mỗi đàn rút bớt 1 cầu và bỏ vào 1 cầu không cho đàn gốc thì được 22 đàn và 10 cầu.
– 100 đàn có 10 cầu, mỗi đàn rút bớt 1 cầu ong và bỏ vào 1 cầu không thì được 110 đàn… và cứ tiếp tục.
Những điểm lưu ý:
– Đóng cửa các thùng nhân ghép và dời đến vị trí mới sau 24-36 giờ mới giới thiệu chúa mới.
– Chọn cầu cho thùng ghép phải ưu tiên cầu tốt, có đủ nhộng hoặc ấu trùng.
– Phải kiểm tra chúa chặt chẽ cho đến khi chúa bình thường.
– Cho đàn nhân ăn đầy đủ.
– Không dùng đàn bệnh vào nhân ghép.
– Chú ý bồi dưỡng đàn gốc.
– Khi ghép phải đồng hóa mùi vị để phòng ngừa ong đánh nhau hoặc cướp mật.
– Ghi chép tất cả các chi tiết cần thiết để theo dõi về sau.
– Nhân ghép được chuyển đi xa là tốt nhất, đàn nhân mau ổn định.
======
Bài viết được biên soạn bởi Mật Ong Golden Bee https://goldenbee.com.vn/
Tất cả về Mật Ong https://goldenbee.com.vn/mat-ong
Thông tin về Ong Mật https://goldenbee.com.vn/ong-mat
Sản phẩm Mật Ong Nguyên Chất Golden Bee https://goldenbee.com.vn/san-pham/mat-ong-nguyen-chat-golden-bee
Mật Ong Nguyên Chất Golden Bee
₫100,000 – ₫500,000
Mật ong nguyên chất Golden Bee, khai thác tại Tây Nguyên.
Đóng chai theo quy trình khép kín, bảo đảm VSANTP.
Đã hạ thủy phần trong nước dưới 20%.