Tổ Chức Khai Thác Sản Phẩm Từ Ong Mật

Sau khi chăm sóc và quản lý trại ong mật theo mùa vụ, chúng ta sẽ qua bước kế tiếp là tổ chức khai thác sản phẩm từ ong mật.

Bài viết này Golden Bee xin chia sẽ với bạn đọc như sau:

Tổ chức khai thác sản phẩm

Lập trại ong để khai thác sữa ong chúa (là sản phẩm chủ yếu sau mùa mật hoa)

Trước tiên, chỉ cần chọn một địa điểm có nguồn phấn bổ túc quanh năm hoặc có thể trồng xen thêm các loại cây có phấn khi nguồn phấn chủ yếu bị gián đoạn.

  • Hạn chế thu hoạch phấn hoa, trường hợp phấn rộ thì chỉ nên thu lại một mức vừa phải, còn bao nhiêu để cho ong dự trữ tối đa.
  • Hạn chế di chuyển nhiều, nếu di chuyển không đúng cách thì sản lượng sữa giảm.

Ví dụ: Trước khi di chuyển phải tạm ngừng mọi công việc từ 2-3 ngày để chuẩn bị, sau khi di chuyển đến điểm mới cũng mất đi từ 3-4 ngày để cho ong ổn định thì mới tổ chức khai thác lại. Như vậy trại ong nào có tổ chức nhanh, gọn thì cũng mất từ 5-10 ngày, thậm chí có lúc còn trễ mất 15 ngày.

Nếu trại ong có 100 đàn ong thì mỗi ngày mất đi ít nhất cũng 500g sữa ong chúa.

Những công việc chuẩn bị để khai thác sữa ong chúa:

  • Chuẩn bị đàn ong:

Đàn ong đủ điều kiện khai thác sữa là đàn ong khỏe mạnh, sung túc có từ 8 cầu trở lên, có nhiều ong thợ ở độ 12 – 18 ngày tuổi, ấu trùng có nhiều sữa dự trữ(ấu trùng ướt) và được cách ly chúa từ 12-24 giờ trước đó và cho ăn thúc (cách ly chúa những đàn kế tiếp).

  • Chuẩn bị dụng cụ:

Cấu tạo sữa, khuôn đúc mũ và lò nấu sáp, dao cắt chén sáp, chén sáp, kim di trùng, khay đựng dụng cụ, lọ đựng sữa, thùng trữ lạnh…

Khi các dụng cụ chuẩn bị xong, trước hết phải tiến hành đúc và gắn chén sáp.

Đun sáp ong cho sôi, dùng khuôn gỗ nhúng nước rồi nhúng khuôn vào sáp một lần, nhúng sâu độ 1.5cm. Sau đó nhúng lại vào nước lạnh rồi dùng tay gỡ ly sáp ra (mỗi khuôn có thể đúc một lúc từ 2-10 cái.)

Rồi dùng dao cắt sáp, còn chiều cao từ 8-10mm. Có nơi dùng khuôn nhúng đủ chiều cao 8-10mm và không phải cắt.

  • Gắn ly sáp vào thang gỗ:

Trước hết lật thang gỗ cho có độ dốc 15-20 độ, rồi dùng bút lông nhúng sáp đang sôi chấm lên thang gỗ theo vị trí định trước, chấm đến đâu gắn ngay chén sáp vào đấy. Khi chấm xong thang nào thì gắn ngay vào khung cầu tháng ấy để tránh va chạm móp méo.

  • Tiến hành di ấu trùng.

Muốn có lượng sữa tốt và sản lượng cao, việc chọn lựa ấu trùng để di là một khâu hết sức quan trọng.

  • Chuẩn bị cầu ấu trùng.

Để cho thao tác được nhanh, cầu ấu trùng được chọn trước bằng những cầu trứng đã được xác định cách đó 3 ngày thì ta mới có ấu trùng 1 ngày tuổi đồng loạt.

Ví dụ: Mỗi trại ong có 100 đàn ong, trong đó có 70 đàn đủ điều kiện khai thác sữa cho mỗi ngày thì số cầu ấu trùng được chọn trước ít nhất là 30-35 cầu (nếu những cầu ấu trùng đó chúa đẻ nhiều).

Khi chọn cầu nào và ở đàn nào, phải đánh số thứ tự trên khung cầu và số thùng để tiện khi cần lấy ấu trùng để đi.

  • Tiến hành di ấu trùng (di trùng)

Thời gian bắt đầu và kết thúc phải có đủ ánh sáng và người thực hiện phải có kinh nghiệm, thao tác phải nhanh gọn, phải tinh mắt. Các dụng cụ và khung cầu phải xếp đặt vào bàn để khỏi tìm kiếm.

Phân công người di trùng, người này chỉ có nhiệm vụ chuyên môn di thôi, người lấy cầu ấu trùng và đặt cầu sữa (gọi tắt là người chạy cầu) là một người khác.

Kỹ thuật di trùng

  • Trường hợp di khô:

Nếu sáng hôm sau di, thì hôm trước đặt hết các cầu tạo sữa có gắn chén sáp vào những thùng ong đã cách ly chúa, cho ong thợ rửa sách các vết dơ bẩn để khi di trùng ong thợ dễ tiếp xúc. (Trường hợp đàn ong mạnh đã xuất hiện yêu cầu chia đàn thì không cách ly chúa mà cứ đưa thang cho mũ chúa vào và sau 3-4 giờ chúa sẽ vệ sinh xong.)

Sau đó, người chạy cầu có trách nhiệm rút các khung cầu tạo sữa ra để điều chỉnh và loại bỏ những chén sáp hư và gắn lại cho đều, đồng thời rút cầu ấu trùng đã đánh dấu chuyển thứ tự lại cho người di trùng tiến hành di trùng.

Người di trùng có nhiệm vụ chọn các ấu trùng cùng 1 ngày tuổi (loại một ngày tuổi rất nhỏ và khó thấy), dùng kim di gạt nhẹ phía dưới thân ấu trùng, để cho thân ấu trùng và một lượng sữa nhất định nằm gọn vào lòng mũi kim di và chuyển ngay vào đáy chén sáp (mũ sáp). Cứ như vậy, tiếp tục di cho đầy 3 hàng để gắn vào một cầu sữa, rồi chuyển ngay cầu đó cho người chạy cầu đặt ngay vào thùng ong đã cách ly chúa trước đó, để cho ong thợ tiết sữa nuôi ấu trùng.

Sau đó 24 giờ người chạy cấu có trách nhiệm kiểm tra, rút toàn bộ số cầu đã di hôm trước chuyển giao lại cho người di. Người di có trách nhiệm kiểm tra để loại trừ các mũ không tiếp (do kỹ thuật di ấu trùng bị chết) và còn số mũ tiếp (mũ tiếp là ấu trùng còn sống, ong thợ đã tiết sữa để nuôi) thì cắt dồn lại cho đầy mỗi thang từ 15-20 mũ và gắn lại cho mỗi cầu đủ 3 hàng rồi chuyển lại cho người chạy cầu để đưa vào đàn nuôi.

Sau khi nuôi được 48 giờ thì người chạy cầu rút ra chuyển lại cho người di để múc sữa.

  • Trường hợp di ướt:

Nói chung, quá trình tổ chức tiến hành về sau cũng như trường hợp di khô. Chỉ khác là trước khi di có chuẩn bị một lo con (lọ nhỏ), cho vào đấy độ 2-3g sữa tốt (sữa 24 giờ ấu trùng mới hấp thu được) và cộng một vài giọt mật ong, rồi cho thêm 50% nước đun sôi để nguội. Dùng một que gỗ đầu nhọn tù bằng đầu đũa nhỏ nhúng vào dung dịch trên và thấm vào đáy chén sáp cho hơi ướt, cho tất cả rồi mới di trùng.

  • Kỹ thuật múc sữa chúa:

Trước hết, người thứ nhất dùng lưỡi dao hơ nóng trên đèn dầu rồi cắt bỏ phần trên của mũ chúa (cắt gần tới lượng sữa) rồi chuyển sang cho người thứ hai dùng kẹp gắp ấu trùng bỏ vào lọ cồn để bảo quản, gắp xong chuyển ngay cho người thứ ba ( dùng đầu kia của kim di gọi là muỗng) để múc sữa cho vào lọ.

Thao tác múc hết sức nhẹ nhàng, để tránh có gợn sáp và tạp chất khác. Múc xong lọ nào thì đậy ngay lại và cho vào nước đá bảo quản.

Sau khi múc xong chuyển tất cả các khung cầu đó ra để tiếp tục di cho đợt khác. Những lần di trùng sau này trên mũ cũ thường tỷ lệ tiếp của ong thợ cao hơn và lượng sữa nhiều hơn những đợt di đầu tiên trên chén sáp.

Những vấn đề cần chú ý:

Trong thực tế, tạo đàn nuôi ấu trùng dễ hơn là đàn tiếp. Thường tỉ lệ tiếp cao thì tỷ lệ nuôi tốt (đàn tiếp phải cách ly chúa hoàn toàn).

Đàn tiếp phải là đàn thật mạnh, ong sung túc, ong thợ trẻ nhiều và phải cách ly hoàn toàn, và cho ăn đầy đủ chất, mỗi đàn 12 cầu có thể tiếp thường xuyên mỗi ngày 2 cầu (6 thang) và số cầu có mặt thường xuyên là 2 cầu.

Sau khi cho tiếp 24 giờ có kết quả mới chuyển cho đàn nuôi. Đàn nuôi chỉ cách ly chúa tại thùng cũng được.

Khai thác tổng hợp.

Khai thác sữa ong chúa đi song song với khai thác phấn hoa và ong giống. Đây là một phương pháp khai thác mang lại nhiều hiệu quả kinh tế nhất và đã được nhiều cơ sở nuôi ong tiến hành ở diện rộng.

Phương pháp khai thác tổng hợp này cũng có nhiều khuyết điểm, nếu người cán bộ kỹ thuật điều hành không đúng quy trình kỹ thuật thì đàn ong dễ bị suy sụp nghiêm trọng.

Sau đây là một số phương pháp cần tiến hành:

Để có đàn nhân ổn định, quân ong thợ và các đàn ong nhân đi làm bình thường và đã phát hiện mất chúa thì lúc ấy mới đưa cầu tạo sữa đã được chuẩn bị sẵn (số lượng đưa có thể từ 1-3 cầu là tùy đàn nhân có số cầu ong nhiều ít).

Sau đó 25 giờ kiểm tra mức độ tiếp nhận. Nếu số lượng mũ tiếp ít, phải tập trung, nếu số lượng nhiều thì cứ để. Sau 48 giờ nữa, tiến hành múc sữa. Quá trình sử dụng đàn nhân này để khai thác sữa chúa vẫn thu hoạch phấn hoa bình thường.

Trường hợp đàn ong mạnh, dùng phương pháp nhân song song. Sau khi tách đàn gốc sau 24 giờ vẫn giới thiệu cầu tạo sữa như trên và công việc thu phấn vẫn tiến hành bình thường.

Trong hai phương pháp trên, lấy sữa được từ 2-3 vòng phải giới thiệu chúa ngay, nếu kéo dài thì đàn ong bị giảm sút và sản lượng sẽ không có mà ong giống lại yếu đi.

Chú ý: Có thể sử dụng đàn ong nhân để khai thác sữa và kết hợp khai thác phấn hoa. Nhưng khi giới thiệu chúa mới, nên tạm ngưng khai thác phấn hoa vài hôm, để cho ong thợ tiếp xúc với ong chúa tốt. Khi ong chúa đã bình thường, lượng phấn hoa trong tổ ong dự trữ đầy đủ thì lại bắt đầu thoát phấn như thường lệ.

Như vậy, về yêu cầu của một trại ong khai thác tổng hợp có khác hơn một trại ong khai thác sữa chúa chuyên nghiệp. Khai thác tổng hợp phải có thời gian di chuyển nhiều hơn để tìm nguồn phấn hoa sung túc và thao tác của người nuôi ong vất vả hơn. Do đó, công tác tổ chức của người chỉ huy phải hết sức linh hoạt và mưa trí mới đạt được hiệu quả kỹ thuật và kinh tế cao.

Kỹ thuật bảo quản sữa ong chúa:

Đặc điểm sữa ong chúa là dễ bị tác động của ánh sáng và nhiệt độ cao. Đo đó, phải dùng chai thủy tinh màu từ 10-100 ml bảo quản trong nước đá hoặc tủ lạnh ngăn đá.

Trường hợp không có nước đá có thể bảo quản tạm trong túi nilon kín, rồi thả sâu xuống giếng nước hoặc cho vào trong thân cây chuối tươi, nhưng thời gian không quá 24h phải đưa về nơi có nước đá.

Cũng có ý kiến, ngâm trong bình mật ong cũng giữ được thời gian ngắn.

Tổ chức khai thác phấn hoa

Công việc tổ chức khai thác phấn hoa cũng tiến hành song song cùng công tác khai thác sữa chúa và nhân giống như đã giới thiệu ở phần trên. Ở đây chúng tôi giới thiệu thêm về phần sơ chế và bảo quản.

Khai thác phấn hoa trong mùa này thường gặp trời mưa, giông gió, hơn nữa trong phấn hoa lại chứa nhiều đường nên để tươi dễ bị chua và mốc. Nhưng sấy khô thì dinh dưỡng lại giàm sút. Trong điều kiện hiện nay, phương pháp sơ chế và tồn trữ vẫn là một biện pháp kỹ thuật có hiệu quả nhất.

Bước 1:

  • Thu gom các máng phấn trên các đàn ong phải hết sức nhẹ tay không để các hạt phấn vón cục hoặc dính lại thành từng tảng và nhặt hết các thân con ong hoặc di vật khác.
  • Nếu có nắng tốt, nên phơi cho lượng nước bốc hơi bớt ( có đậy vài màn thưa tránh bụi và ruồi nhặng).

Bước 2:

  • Cho vào lò cách nhiệt (kín, có nhiều ngăn) sấy ở nhiệt độ dưới 50 độ C. Sấy trong 10-15 phút. Theo dõi sao cho phấn khô đều và không bị cháy khét. Sau ba giờ đến bốn giờ thì phấn khô, để nguội, rồi dùng rây sàng cho hết phấn vụn và loại trừ các di vật khác. Sau đó cho vào can hoặc túi nilon, bịt kín tránh ẩm để đưa về nơi dự trữ có phòng lạnh hoặc hút ẩm.
  • Tiêu chuẩn để giao cho Y tế là: khô, giòn, không cháy khét, không vón cục hoặc nấm mốc, không vụn nát và có mùi thơm ngọt.

Tổ chức khai thác sáp ong

Trong tình hình nuôi ong hiện nay ở nước ta chưa có nơi nào tự lực được sáp ong mà hầu hết là phải nhập từ ngoài vào, do đó không có trại ong nào chủ động nhân giống theo kế hoạch đã định (vì thiếu chân tầng cho ong xây).

Kế hoạch thu gom:

  • Bất cứ hoàn cảnh nào cũng không để cho sáp bị rơi vãi. Muốn vậy, trại phải có một cái nồi nấu sáp đặt ngay nơi thuận lợi nhất, để như vậy có tác dụng nhắc nhở mọi người tự giác thu nhặt sáp bỏ vào đấy.

Tranh thủ cho ong xây tầng hoặc xây lưỡi mèo:

  • Muốn xây chân tầng phải cho ong ăn thúc trước đó mấy hôm, rồi đưa chân tầng vào thăm dò tất cả mọi đàn. Đàn nào xây chân tầng tốt thì cho xây tiếp tục, đàn nào không xây thì khai thác chúng bằng cách cho xây lưỡi mèo tự nhiên hoặc xây lưỡi mèo có tác động kỹ thuật.
  • Trong thực tế, có rất nhiều đàn không chịu xây chân tầng mà chỉ xây lưỡi mèo một cách tự do. Đây là một cơ hội để ta lợi dụng khai thác sáp tốt nhất.
  • Đối với ong nội địa, việc tổ chức khai thác bằng cho xây lưỡi mèo rất có hiệu quả hơn ong ngoại.

Tận thu từ các khung cầu cũ, hư hỏng:

  • Đối với ong nội địa, qua theo dõi các năm ở miền Nam, tỉ lệ loại bỏ cầu cũ từ 70-80%. Ong ngoại từ 10-20% và mỗi cái khung cầu cũ thu lại từ 30-65% sáp tốt.

Nấu sáp:

  • Ở các nước nuôi ong tiên tiến, do điều kiện nuôi ong ít di chuyển và số lượng ong lớn nên phương pháp khai thác sáp và nấu sáp có khác hơn nước ta.
  • Ở nước ta nếu chỉ làm theo phương pháp sau đây mà trại ong nào cũng quan tâm thường xuyên thì lượng sáp thu hoạch cũng rất cao.

Các mảnh vụn, lưỡi mèo, khung cầu cũ…, sau khi thu gom được không nên để dự trữ lâu (nếu để lâu sâu sáp sẽ ăn hết). Tất cả cho vào một cái túi vải mùng hoặc một cái bao cát, bao bố… rồi túm chặt lại xong cho vào một cái thùng tôn hoặc cái nồi cao (tùy theo khối lượng).

Kinh nghiệm là, mỗi trại nên trang bị một cái thùng tôn cỡ đường kính 25cm, cao 60cm là dễ nấu nhất. Cho túi vào thùng rồi dùng một cái vỉ bằng tre hoặc bằng lưới sắt chặn phía trên, rồi dùng cây gài cho chặt, đổ nước vào nấu. Khi nước sôi sáp chảy ra, do sáp nhẹ nên sáp nổi lên trên. Một giờ sau sáp sẽ nổi hoàn toàn. Để nguội sáp đóng thành tảng rồi gỡ lấy ra ta sẽ được một bánh sáp tốt.

Ngoài ra còn một số phương pháp khai thác keo ong, nọc ong, nhộng ong và xác ong già… sẽ giới thiệu ở trường hợp khác.

Những bệnh cần chú ý:

Các bệnh thường xảy ra ở hai loại ong dễ mắc

  • Ong nội địa: Thường bị bệnh sâu đục tầng, sâu bánh tổ, nhộng trần, mạt ong. Nặng nhất là sâu bánh tổ, có năm lên đến 100% đàn ong bị. Hiện nay thối ấu trùng nhộng bọc là nguy cơ lớn, các trại cần có biện pháp phòng ngừa tích cực.
  • Ong ngoại: Thường bệnh thối ấu trùng (không lây do khâu thức ăn và chăm sóc), bệnh không trám nắp, viêm khí quản và lỵ.
    (Phương pháp phòng và trị bệnh sẽ được cập nhật ở bài viết sau).

Kết luận

Trên đây là các phương pháp tổ chức khai thác sản phẩm từ ong mật.

Bài viết sau Golden Bee xin chia sẽ về chủ đề chăm sóc, quản lý và khai thác mật ong.

Tác giả: Ong Mật Golden Bee


Lưu Ý: Để bảo vệ sức khỏe của mình, trước khi sử dụng bất cứ phương pháp, thực phẩm hỗ trợ sức khỏe nào nên tham khảo ý kiến chuyên môn của Bác sĩ phòng trường hợp dị ứng hoặc gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Nên sử dụng có liều lượng phù hợp, kết hợp với chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh để đạt được hiệu quả tốt nhất.


*

Bài viết được biên soạn bởi Công Ty Ong Mật Golden Bee https://goldenbee.com.vn/

Xem Tất cả về Mật Ong https://goldenbee.com.vn/mat-ong

Công Dụng Của Mật Onghttps://goldenbee.com.vn/cong-dung-mat-ong

Mật Ong Thiên Nhiên Golden Bee https://goldenbee.com.vn/mat-ong-thien-nhien-golden-bee

Mua Mật Ong giá Sỉ https://goldenbee.com.vn/mat-ong-si

Thông tin về Ong Mật https://goldenbee.com.vn/ong-mat

Mật Ong Nguyên Chất Golden Bee https://goldenbee.com.vn/san-pham/mat-ong-nguyen-chat-golden-bee

Thùng nuôi Ong Mật https://goldenbee.com.vn/thung-nuoi-ong-mat

Kỹ Thuật Nuôi Ong Mật Tại Nhà https://goldenbee.com.vn/ky-thuat-nuoi-ong-mat-tai-nha

Bảng giá Mật Ong https://goldenbee.com.vn/bang-gia-mat-ong-hom-nay

*


🍯 Mua Mật Ong Sỉ/Lẻ:

Điện Thoại/ Zalo: 0973.745.279

🐝 Hỗ trợ Kỹ Thuật Nuôi Ong:

Điện Thoại/ Zalo: 0978.354.002


MẬT ONG NGUYÊN CHẤT GOLDEN BEE

Chỉ 80K

Mua hàng tháng, giảm 10%

Loại

Mật Ong Đơn Hoa

Nguồn Gốc

Tây Nguyên - Đắk Lắk

Màu Sắc

Vàng Hổ Phách

Thành Phần

Thương Hiệu

mua ngay - giao hàng tận nơi !

tìm kiếm nhiều nhất

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo